ĐBQH: Cần giải pháp tổng thể để GDP tăng 8% năm 2025

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 6, 14/02/2025 07:00

Ông Phan Đức Hiếu mong muốn sắp tới Chính phủ cần thể hiện rõ hơn các giải pháp mới để có thể tăng trưởng thêm 1%.

Đóng góp vào thành công chung của cả giai đoạn

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều ngày 14/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Trước đó, sáng 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm nay, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, tăng trưởng GDP cả nước cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên. Điều này thể hiện đúng quyết tâm của Chính phủ ngay từ đầu năm.

ĐBQH: Cần giải pháp tổng thể để GDP tăng 8% năm 2025- Ảnh 1.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Hoàng Bích).

"Nghị quyết của Chính phủ đầu năm tăng 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Tuy nhiên, trong các trình bày, Thủ tướng không dùng từ "phấn đấu" mà gọi là "bứt phá" quyết liệt", ông Phan Đức Hiếu nói và cho rằng khi đặt mục tiêu như vậy cần thiết phải điều chỉnh một số chỉ tiêu.

Ông Hiếu nhận định, đây là chỉ tiêu rất thách thức, nếu đạt được thì sẽ đóng góp vào thành công chung của cả giai đoạn (2021-2025). Thêm nữa, tạo ra nền tảng vật chất và phi vật chất.

Từ đó, đòi hỏi Chính phủ phải có cải cách, giải pháp để đóng góp cho tăng trưởng trên 8%, điều này sẽ góp phần cho tăng trưởng những năm tiếp theo.

"Tôi mong muốn sắp tới Chính phủ cần thể hiện rõ hơn các giải pháp mới để có thể tăng trưởng thêm 1%, những giải pháp mới đó phải chưa có trong các Nghị quyết hoặc đã có nhưng Chính phủ thay đổi", ông Hiếu nêu.

Thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất kinh doanh

Theo quan điểm cá nhân của ông Hiếu, để tăng trưởng 1%, các nước sẽ có các gói kích thích chính sách. Là một nhóm chính sách hỗ trợ thúc đẩy cho việc tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.

"Chính phủ nên suy nghĩ đến một giải pháp tổng thể mang tính chất "kích thích" về thúc đẩy tiêu dùng, dịch vụ và sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu như: Chính sách về thuế, trong đó tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hướng đến thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất kinh doanh", ông Hiếu nhấn mạnh.

Để thúc đẩy tiêu dùng, ông Hiếu cho rằng phải tăng thu nhập, tăng tích lũy và như vậy cần sửa luật thuế thu nhập cá nhân để người dân có thêm tích lũy.

Đồng thời, đối với doanh nghiệp cần rà soát các chính sách thuế, nếu chưa thực sự cần thiết trong bối cảnh này thì không nên tăng bất kể một khoản thuế nào.

Bởi, sẽ làm giảm tiêu dùng do chi phí sản xuất, giá thành sẽ tăng do tăng thuế và giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp.

"Những chính sách về điều chỉnh tăng thuế nếu đã thông qua thì kéo dài hơn lộ trình áp dụng nhất là tại Kỳ họp thứ 5 chúng ta đã thông qua một loạt các loại thuế, mong Chính phủ sẽ giãn thời gian thực hiện đến năm 2027 hoặc 2028", ông Hiếu cho hay.

ĐBQH: Cần giải pháp tổng thể để GDP tăng 8% năm 2025- Ảnh 2.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhằm hướng đến thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất kinh doanh (Ảnh: Phạm Tùng).

Tiếp theo rà soát các chính sách thuế, phí và lệ phí và phải có biện pháp miễn giảm phù hợp. Cùng với đó, khẩn trương rà soát các quy định làm tăng chi phí cho doanh nghiệp làm cho đồng vốn đầu tư không hiệu quả…

Lấy ví dụ quy định ký quỹ khi nhập khẩu phế liệu về giấy. Theo Khoản 2 Điều 46 Nghị định số 08, tùy theo khối lượng nhập khẩu mà doanh nghiệp phải ký quỹ từ 15-20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Ông Hiếu cho biết, nhiều doanh nghiệp kêu về quy định này bởi giờ đây "giấy phế liệu" là nguyên vật liệu quý hiếm cho sản xuất trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt. 

Trong suốt thời gian qua chưa một doanh nghiệp nào phải dùng đến quỹ đó nhưng doanh nghiệp phải đóng vào quỹ với số tiền rất lớn. Vậy tại sao chúng ta không sửa đổi hoặc giảm mức ký quỹ hoặc quản lý theo hướng rủi ro?. Trong khi doanh nghiệp cần vốn.

Cùng với đó, chúng ta phải giải quyết nhanh hoàn thuế cho doanh nhiệp, có như vậy mới tạo động lực cho doanh nghiệp.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, để đóng góp thêm 1% tăng trưởng, các địa phương phải vào cuộc nhanh chóng và rà soát tất cả các dự án dở dang, tìm ngay ra các vướng mắc pháp lý và giải quyết kịp thời. Đây là nội dung có thể đóng góp ngay cho tăng trưởng thay vì đi thu hút đầu tư từ đầu, một dự án trong một năm không thể xong được. Tháo gỡ vướng mắc của các dự án càng sớm, càng tốt và các địa phương phải hỗ trợ doanh nghiệp.

"Chính phủ, địa phương, bộ, ngành đã quyết tâm rồi thì quyết tâm đó phải thể hiện bằng các hành động cụ thể, giải quyết khó khăn thực tiễn doanh nghiệp đang gặp, để thực sự hiệu quả hơn", ông Hiếu nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo thẩm tra Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.

"Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng", ông Thanh nêu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.