Mới đây, tỉnh Thanh Hóa cử đoàn cán bộ tham gia chương trình quảng bá địa phương tại Mỹ với kinh phí dự kiến 1,7 tỷ đồng trong 10 ngày. Sau đó, mức kinh phí này được rút xuống còn khoảng 1/3 kinh phí dự kiến ban đầu.
Một lần nữa, dư luận đang băn khoăn trước câu chuyện nhiều bộ ngành, địa phương cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm, xúc tiến thương mại ở nước ngoài tiêu tốn ngân sách, nhưng hiệu quả lại không ai đánh giá cụ thể, dẫn đến có hiện tượng lợi dụng công tác để đi tham quan du lịch. Xung quanh vấn đề trên, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
PV: Thưa Đại biểu, thời gian qua, một số bộ ngành, địa phương đã cử các đoàn đi học tập kinh nghiệm, xúc tiến thương mại ở nước ngoài tiêu tốn nhiều ngân sách, khiến dư luận rất băn khoăn. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, vì thế việc học tập kinh nghiệm của các nước cũng như thúc đẩy hoạt động hợp tác sản xuất kinh doanh giữa Việt Nam và các quốc gia rất quan trọng.
Nhiều bộ ngành, địa phương đều tổ chức đoàn đi các nước có quan hệ mật thiết với Việt Nam để học tập kinh nghiệm quý báu về áp dụng cho nước nhà, đây là chủ trương đúng đắn, hữu ích.
Tuy nhiên, thời gian qua, ở nhiều nơi có hiện tượng lạm dụng để đưa cán bộ là con em mình đi ra nước ngoài học tập kết hợp với tham quan, du lịch. Số lượng người trong một đoàn đi học tập kinh nghiệm là khá đông.
Mặc dù Trung ương Đảng, Chỉnh phủ đã có những văn bản chỉ đạo rất sát sao đối với các bộ ngành, tỉnh thành hạn chế thấp nhất dùng ngân sách để chi cho cán bộ đi nước ngoài, dù là học tập kinh nghiệm. Thế nhưng, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương đã tiêu tốn số tiền rất lớn cho cán bộ đi nước ngoài học tập kinh nghiệm.
Đây là tiền của nhân dân, cần phải được chi tiêu thỏa đáng, phải đánh giá để rút kinh nghiệm.
PV: Tức là cần đánh giá về hiệu quả các đoàn đi học kinh nghiệm, xúc tiến thương mại ở nước ngoài để quản lý chặt chẽ hơn, tránh lãng phí ngân sách, thưa ông?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đúng vậy! Chúng ta cần có tổng kết, đánh giá về những đoàn đi nước ngoài học tập kinh nghiệm, xúc tiến thương mại khi về Việt Nam áp dụng cho bộ ngành mình, cho địa phương mình được cái gì và không được cái gì. Từ đó, sẽ phát huy mặt tốt và rút kinh nghiệm những mặt chưa được.
Nếu cứ để tình trạng cử đi học “ào ào” mà không có đánh giá, tổng kết hiệu quả thì không nên, vừa hao tốn ngân sách, tiền của nhân dân mà hiệu quả mang lại không được bao nhiêu.
PV: Liên quan đến việc một số cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu nhưng vẫn được cử đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, ông cho rằng có hợp lý hay không?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Các đồng chí cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu mà đi nước ngoài với hình thức đi học tập kinh nghiệm là không “ổn”. Tôi nghĩ, đây không phải là đi học tập kinh nghiệm mà là giải quyết chính sách để đi tham quan du lịch, chứ nói đi học tập kinh nghiệm về để áp dụng thì đó là chuyện vô lý. Có thể trong đoàn có một số thành viên đi học tập kinh nghiệm thực sự, còn một số là đi kèm theo để tham quan du lịch. Việc này cần có chấn chỉnh rút kinh nghiệm.
Hiện nay, theo tôi biết, chưa có cơ quan, địa phương nào làm công tác sơ kết, tổng kết việc đưa cán bộ đi ra nước ngoài học tập kinh nghiệm mang lợi ích gì về cho địa phương, bộ ngành và cho nước nhà. Cho nên cần có đánh giá cụ thể, nếu tốt thì cho nhân rộng, nếu chưa tốt thì khắc phục ngay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!