Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận về phương án gia hạn trả nợ đối với các khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mức sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị đạt 3.999,96 tỷ đồng.
Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) nhắc lại, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã đồng ý theo Tờ trình của Chính phủ và cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn, gia hạn không quá 2 lần.
Tuy nhiên, đến năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục phát triển phức tạp và gây hậu quả nặng nề ở Việt Nam thì Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng trên 11.800 tỷ đồng và năm 2022 lỗ tiếp là 8.841 tỷ đồng, mặc dù kế hoạch đưa ra lỗ chỉ 35 tỷ đồng và năm 2023 kế hoạch dự kiến là lãi nhưng cuối cùng tiếp tục lỗ 4.789 tỷ đồng.
Như vậy, qua 4 năm thì Vietnam Airlines lỗ trên 32.000 tỷ đồng. Do đó, so với vốn chủ sở hữu khoảng 22.000 tỷ đồng thì Vietnam Airlines tiếp tục âm trên 8.000 tỷ đồng.
“Với tình hình này, nếu không cho Vietnam Airlines gia hạn nợ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản, đến khả năng duy trì hoạt động cũng như có khả năng phá sản. Cho nên để bảo vệ thương hiệu quốc gia và đặc biệt là vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines thì đề nghị Quốc hội cho gia hạn nợ không quá 3 lần và như vậy là trong 5 năm”, ông Ngân nói.
Tuy nhiên, ông Ngân cho rằng, vốn Vietnam Airlines hiện đang vay tái cơ cấu chỉ có 4.000 tỷ đồng, so với khoản nợ của Vietnam Airlines hiện nay lên tới khoảng 58.000 tỷ đồng.
“Như vậy khoản này cũng rất ít”, ông Ngân cho hay và đề nghị cần tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế cho nguồn vốn ngắn hạn hiện nay.
Cũng góp ý, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, khoản vay 4.000 tỷ đồng cũng không quá lớn trong một doanh nghiệp như Vietnam Airlines, chỉ có điều đã gia hạn và đợt này gia hạn tiếp.
Ông Huân nói, nếu không chấp nhận gia hạn khoản vay này cũng sẽ rất khó khăn cho một doanh nghiệp mang tính đầu tàu của Việt Nam, đại diện hình ảnh quốc gia.
“Đặc biệt, nếu không chấp nhận để tái cấp vốn, phần bảo lãnh của Chính phủ là 330 triệu USD cho Vietnam Airlines có thể sẽ bị các nhà tài trợ, các bên cho vay khác đòi”, ông Huân nói và bày tỏ việc đồng tình tái cấp vốn cho Vietnam Airlines với 4.000 tỷ đồng đợt này.
Tuy nhiên, vị đại biểu yêu cầu Vietnam Airlines cần có một kế hoạch về việc sẽ tái cấu trúc như nào. “Vừa rồi những nỗ lực của Vietnam Airlines rất lớn về giảm người lao động nhưng kế hoạch cần phải cụ thể để đảm bảo 5 năm tới không phải đề nghị Quốc hội xin tái cấp vốn một lần nữa”, ông Huân nói thêm.
Giải trình làm rõ nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong lúc khó khăn, Quốc hội đã có chủ trương theo Nghị quyết 135 cho 2 nội dung, một nội dung là cho vay tái cấp vốn vì thuộc Luật Các tổ chức tín dụng.
Do đó phải được Quốc hội đồng tình và phát hành cổ phiếu thông qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Phó Thủ tướng cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng có cải thiện tình hình, năm 2024 Vietnam Airlines hoạt động kinh doanh có lãi, tuy nhiên cũng cần tiếp tục hỗ trợ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, Chính phủ tiếp thu ý kiến, sẽ tiếp tục chỉ đạo Vietnam Airlines, Ủy ban Quản lý vốn và các cơ quan có liên quan phê duyệt đề án này và một số các nội dung.
Đồng thời, xây dựng các phương án thực sự khả thi, hiệu quả để đáp ứng được kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội và đặc biệt liên quan tới trách nhiệm và lời hứa trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp mà Quốc hội đã có chủ trương.