ĐBQH: Cần xem xét lại bản án nếu có dấu hiệu sử dụng bệnh án tâm thần giả

ĐBQH: Cần xem xét lại bản án nếu có dấu hiệu sử dụng bệnh án tâm thần giả

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Thứ 7, 11/08/2018 19:00

Liên quan đến vụ triệt phá đường dây chuyên làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng phạm tội, ĐBQH Nguyễn Chiến cho rằng, hành vi trên có hệ lụy không nhỏ, cần xử lý nghiêm minh.

Công an TP.Hà Nội vừa triệt phá một đường dây chuyên làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng giang hồ phạm tội, nhằm trốn tránh xử lý của pháp luật.

Thông tin về vụ án đã gây chú ý đặc biệt của dư luận. Nhiều người đặt nghi vấn về việc liệu đường dây này đã làm trót lọt bao nhiêu bộ hồ sơ để giúp được các đối tượng gây án trốn tránh trách nhiệm hình sự? Và hành vi của các đối tượng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động tố tụng?

Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến, Ủy viên ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Trước hết, theo quy định của pháp luật đối với những người phạm tội, người ta sẽ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự do mắc một trong số các loại bệnh tâm thần.

Phải xác định người ta thực hiện phạm tội trong tình trạng nhận thức được hành vi hay là không nhận thức được hành vi. Quy định này là đúng và hoàn toàn phù hợp với mặt lý luận khoa học hình sự. Cơ sở khoa học về xác định ý thức chủ quan của tội phạm là một trong các yếu tố cấu thành tội phạm.

Chính sách, quy định của pháp luật như vậy là hoàn toàn đúng và khoa học. Tuy nhiên, một số đối tượng lại lợi dụng quy định này, cố tình làm giả bệnh án tâm thần, cung cấp tài liệu giả cho cơ quan tố tụng, đó là hành vi vi phạm pháp luật”.

Góc nhìn luật gia - ĐBQH: Cần xem xét lại bản án nếu có dấu hiệu sử dụng bệnh án tâm thần giả

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến.

Vị Ủy viên ủy ban Tư pháp của Quốc hội phân tích: “Những người làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần là vi phạm, đã có điều luật quy định về làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước.

Còn đối với những người sử dụng giấy tờ giả đó nhằm trốn tránh hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mình thì cũng có dấu hiệu cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật. Tùy thuộc vào việc sử dụng giấy tờ giả đó đã gây ra hậu quả như thế nào thì sẽ bị xử lý tương xứng”.

Đại biểu Nguyễn Chiến nhấn mạnh: “Hành vi làm giả bệnh án tâm thần cho các đối tượng phạm tội có hệ lụy rất nghiêm trọng, làm sai lệch cán cân công lý, sai lệch hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ví dụ, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đó mà tòa án có thể đánh giá, xác định sai về tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Thậm chí, có trường hợp còn không xử lý hình sự được hoặc chưa xử lý thì đã bắt buộc phải đưa đi chữa bệnh…

Tôi nghĩ, cơ quan công an cần tiếp tục làm rõ xem đã có vụ án nào mà căn cứ vào tài liệu bệnh án tâm thần giả của đường dây nói trên để xét xử thì bây giờ phải đề nghị xem xét lại, thậm chí hủy bản án nhằm đảm bảo tính đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật”. 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.