Mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm trước thông tin bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, thời kỳ còn giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký nhiều văn bản không đúng thẩm quyền, “ưu ái” cho công ty của chồng hoạt động có những sai phạm.
Điều đáng nói, việc bà Thanh ký các quyết định trái thẩm quyền, không phải trong lĩnh vực bà được phân công nhưng các sở ngành liên quan ở địa phương vẫn “lơ đi”. Dư luận đặt dấu hỏi, liệu có phải do có sự nể nang vì khi đó bà Thanh đang giữ cương vị Phó Chủ tịch tỉnh nên những cán bộ cấp dưới không “phản ứng” gì, “làm ngơ” cho công ty của chồng bà Thanh?
Trường hợp nữa cũng cần nhắc tới, đó là sở Nội vụ TP.Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi UBND TP.Đà Nẵng về trường hợp ông Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư của sở KH&ĐT Đà Nẵng đi học thạc sĩ ở nước ngoài (Úc) bằng ngân sách Nhà nước là không đủ tiêu chuẩn và không đúng quy định.
Theo đó, ngày 7/1/2011, Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng có văn bản về việc cử 3 học viên học chuyển tiếp bậc thạc sĩ, trong đó có ông Mẫn. Việc này không có ý kiến của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng theo quy định.
Tuy nhiên, được biết, ông Mẫn chính là con trai của ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng. Thời điểm ông Mẫn được cử đi học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước thì ông Minh vẫn đang giữ cương vị Chủ tịch thành phố.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng: “Thời gian qua, chúng ta vẫn còn những hạn chế, thiếu sót trong công tác cán bộ. Trong đó, có sự nể nang, bao che của những người có trách nhiệm đối với con em, người thân cán bộ có chức có quyền. Những trường hợp như con trai của cựu Chủ tịch TP.Đà Nẵng đi học ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước không đúng quy định hay trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh “ưu ái, nâng đỡ” cho công ty của chồng đều là những sự việc điển hình”.
“Với cương vị lúc đó bà Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thì đã có những hành vi bao che, tạo điều kiện cho công ty tư nhân của chồng mình thực hiện các dự án mà đúng ra không phải trách nhiệm, thẩm quyền của bà Thanh. Tuy nhiên, để sự bao che đó tồn tại được trong khoảng thời gian khá dài thì không phải riêng bà Thanh mà những người có trách nhiệm ở địa phương đó cũng “lơ là”, nể nang bà Thanh nên mới cho công ty của bà Thanh thực hiện dự án một cách suôn sẻ”, Đại biểu Hòa nói.
Cũng theo vị Đại biểu Quốc hội này: “Đây là bài học cần rút kinh nghiệm trong công tác cán bộ. Sự nể nang, bao che cho người nhà quan chức hoặc chính bản thân quan chức bao che cho người thân để bố trí những cán bộ chưa đạt chuẩn hoặc bố trí sân sau là các doanh nghiệp để đem lại lợi ích cá nhân thì cần xử lý nghiêm minh.
Trong những chỉ thị của Đảng nêu rất rõ, những cán bộ quản lý cần phải nêu gương cho những cán bộ đảng viên học tập noi theo. Đằng này mình là lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo quản lý của một tỉnh mà lại làm trái các quy định như vậy thì thiếu gương mẫu, thiếu rèn luyện. Cho nên cần phải có hình thức xử lý kỷ luật xứng đáng đối với những người này, để mang tính răn đe, phòng ngừa, tạo được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân”.