ĐBQH: Cấp giấy đi đường, xét nghiệm Covid-19 diện rộng gây lãng phí

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 02/06/2022 18:27

Nhiều địa phương áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa trong một số giai đoạn dịch Covid-19 quá cứng nhắc, nặng về thủ tục cấp phép xin - cho gây lãng phí ngân sách.

Chiều 2/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Lãng phí trong phòng chống dịch

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) đề cập tới tình trạng lãng phí trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề liên quan tới Công ty Việt Á.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, việc để xảy ra tình trạng kit test Covid-19 không đạt tiêu chuẩn được lưu hành và sử dụng không chỉ trong tiêu dùng cá nhân mà còn ở các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

"Theo cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, chỉ sau 17 tháng (từ tháng 4/2020 đến hết năm 2021), Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép và lưu hành kit test, riêng bán kit test cho CDC và cơ sở y tế cũng đã đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng", ông Sơn dẫn chứng.

Tiêu điểm - ĐBQH: Cấp giấy đi đường, xét nghiệm Covid-19 diện rộng gây lãng phí

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh về vấn đề lãng phí trong phòng chống dịch (Ảnh: Quochoi.vn).

Ngoài sai phạm trực tiếp liên quan tới Công ty Việt Á, vị đại biểu cũng nhắc lại những bất hợp lý trong phòng chống dịch ở một số thời điểm, nhất là vào những tháng cuối năm 2021 - khi thực hiện bước chuyển chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.

"Việc bắt buộc xét nghiệm Covid-19, đưa ra yêu cầu test nhanh âm tính là một trong những điều kiện để đi lại và trở lại hoạt động truy vết nguồn lây chưa thực sự thuyết phục, gây tiêu tốn nguồn lực rất lớn cho ngân sách nhà nước, gây lãng phí nguồn lực của xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh", ông Sơn nhấn mạnh.

Chưa hết, vị đại biểu đề cập tới việc áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển ở một số địa phương trong một số giai đoạn quá cứng nhắc, nghiêm ngặt, nặng về thủ tục cấp phép xin - cho với hình thức giấy đi đường liên tục thay đổi và ban hành mới.

Công tác phối hợp, tổ chức thực hiện ở một số nơi còn thiếu tính đồng bộ, thiếu nhất quán, linh hoạt đã tác động tiêu cực tới kết quả phòng chống dịch cũng như việc duy trì các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực con người và ngân sách huy động cho hoạt động này.

Vai trò giám sát của nhân dân

Góp ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho rằng cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nữ đại biểu cho biết, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhận diện vấn đề này cho thấy công tác phòng, chống lãng phí một số ngành, địa phương chưa chuyển biến rõ nét.

"Việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi chưa kiên quyết, có tình trạng buông lỏng quản lý quan liêu, tham nhũng là những tác nhân của lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả; chưa chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây lãng phí", bà Thúy cho hay.

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hàng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.

Bà nhấn mạnh rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tham gia giám sát hiệu quả.

Tiêu điểm - ĐBQH: Cấp giấy đi đường, xét nghiệm Covid-19 diện rộng gây lãng phí (Hình 2).

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại hội trường (Ảnh: Quochoi.vn).

Cũng quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, công tác quản lý tài sản công còn một số tồn tại, hạn chế, đó là nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị về quản lý, sử dụng tài sản công chưa cao.

Việc cập nhật, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa kịp thời quá trình thanh lý tài sản là trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp để đầu tư xây dựng mới còn nhiều bất cập, nhất là đối với những tài sản có giá trị do quy trình thanh lý Chủ tịch UBND tỉnh mất nhiều thời gian, không kịp thời cho việc xử lý tài sản.

Liên quan đến việc mua sắm phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước, đại biểu cho rằng, hiện nay đây là nội dung đáng quan tâm, nhất là những sai phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Hằng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nguyên nhân chủ quan, khách quan từ cơ chế, chính sách, pháp luật để có giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Đề cập về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai, đại biểu nhận thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề bất cập, phát sinh tiêu cực, lãng phí…

Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tháo gỡ những nội dung vướng mắc về cơ chế, chính sách cho vấn đề này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.