Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng làm rõ, với mức tiêu thụ xăng dầu như hiện tại thì dự trữ xăng dầu của các thương nhân đầu mối và của quốc gia sẽ đáp ứng được thời gian bao lâu?
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp về dự trữ xăng dầu trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Các lần trước chúng tôi đã báo cáo và đến giờ này, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án về nâng mức dự trữ xăng dầu".
Theo đó, mức dự trữ xăng dầu thành phẩm sẽ nâng từ 440.000 lên 800.000 - 900.000 m3, tức là nâng gấp 2 lần khả năng dự trữ hiện tại. Hiện nay, khả năng dự trữ là 7 ngày thì bây giờ nâng lên gấp đôi là khoảng nửa tháng.
Bên cạnh đó, trong quyết định mới thì không chỉ dự trữ xăng dầu thành phẩm mà còn dự trữ cả dầu thô - đây là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước.
Theo đó, công suất dầu thô sẽ bảo đảm được 15 cho đến 20 ngày nhập ròng. Đó là hai điểm rất mới trong quyết định của Chính phủ.
Về việc đầu tư vào hạ tầng xăng dầu, khí đốt quốc gia, trong đó có vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Chính phủ cũng đã phê chuẩn quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt quốc gia và kế hoạch của quy hoạch này cũng đã được triển khai đến các địa phương.
Theo đó, bây giờ sẽ có những cơ chế, chính sách vừa đầu tư từ phía Nhà nước nhưng đồng thời phải đầu tư từ các doanh nghiệp và người dân. Như vậy, để đầu tư từ phía Nhà nước rất cần phải đưa ra các quy chuẩn về kỹ thuật.
"Việc này đang thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính để trình Chính phủ đưa ra những quy chuẩn và dựa vào quy chuẩn, Bộ Công Thương sẽ đề xuất mức cụ thể, chủng loại hàng cụ thể để dự trữ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Mặt khác, cũng dựa vào quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền để chúng ta có thể triển khai đầu tư của Nhà nước vào hệ thống dự trữ xăng dầu.
Đồng thời, sẽ ban hành những cơ chế để thu hút đầu tư của xã hội trong lĩnh vực này. Điều quan trọng nhất là phải sửa đổi biểu giá cho thuê và thuê hạ tầng.
Bởi vì, như các đại biểu đã thấy, biểu thuê quá thấp, thấp tới mức chỉ đạt khoảng 15 - 20% so với mức mặt bằng giá của thị trường hiện nay thì không đủ khuyến khích cho bất kể một đối tượng nào, kể cả doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ này, càng làm càng lỗ. Đây là một vấn đề cần phải sửa.
"Việc điều chỉnh và điều hành xăng dầu như các đại biểu thấy 2 năm qua rất ổn do chúng ta đã điều chỉnh cơ chế giá, điều chỉnh từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, như vậy, biên độ dao động giữa giá trong nước với giá thế giới không lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, đã có cơ chế là điều chỉnh chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Thậm chí, khi có những biến động lớn thì Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh để cập nhật chi phí thực tế phát sinh cho các doanh nghiệp để bảo đảm các doanh nghiệp không lỗ. Cho nên đến giờ này mọi thứ hoạt động tương đối tốt.