Sáng 9/11, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Quy hoạch.
ĐBQH Nguyễn Việt Dũng (đoàn TP.HCM) nói: “Tôi thấy trong dự án luật Quy hoạch, vai trò của các cơ quan dân cử rất mờ nhạt. Ví dụ như quy hoạch tổng thể Quốc gia, tôi không thấy vai trò của Quốc hội (QH).
Tôi đồng tình với ý kiến của Ủy ban Kinh tế, quy hoạch Quốc gia, thậm chí cả quy hoạch vùng phải do QH phê duyệt. QH là đại diện cho ý trí, nguyện vọng của người dân, quy hoạch Quốc gia ảnh hưởng đến nguồn lực Quốc gia rất lớn và quyết định tương lai phát triển. Vì vậy phải là cơ quan dân cử cao nhất phê duyệt. Chính vì thế, phải sửa đổi các điều luật về vai trò cơ quan dân cử trong luật này, ở đây có QH. Tôi đề nghị QH phải phê duyệt quy hoạch Quốc gia, quy hoạch ngành.
Vai trò của cộng đồng dân cư, nhân dân tham gia vào quy hoạch được đề cập rất mờ nhạt trong dự thảo này. Một cộng đồng dân cư mà đường sắt sắp đi qua khu họ ở, họ không được quyền tham ý kiến. Tôi đề nghị phải quy định rất rõ quyền hạn của cộng đồng dân cư với quy hoạch tổng thể. Đối với quy hoạch cụ thể thì phải có ý kiến của cộng đồng dân cư.
Trong luật này chưa nói đến quyền lợi, quyền hạn của đối tượng bị ảnh hưởng. Điển hình như bao nhiêu năm qua, có những gia đình 3 đời nằm trong quy hoạch không thể sửa nhà, xây nhà ở các đô thị. Tôi không thấy đề cập gì đến quyền hạn, quyền lợi của họ đối với vùng bị quy hoạch. Phải có thời hạn, quy hoạch dự kiến xây nhà máy thì cũng phải có thời hạn cụ thể. Quy hoạch đúng là phải nhìn tương lai nhưng cũng phải xem nguồn lực ra sao. Chứ không thể quy hoạch để cả đời người họ phải nằm trong vùng đó, không đền bù, không xây dựng được”.
Đồng quan điểm với việc cho rằng quy hoạch Quốc gia phải do Quốc hội quyết định, ĐB Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) cho rằng: “Không thể có chuyện QH thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ lại phê chuẩn quy hoạch tổng thể Quốc gia được. Như vậy là ngược.
Nhiềungười do biết được thông tin quy hoạch đã được lợi lớn. Thực tế là họ chi tiền cho cán bộ biết đường mở đến đâu để họ mua nhà trong ngõ. Năm sau công bố quy hoạch, nhà họ trở thành nhà mặt đường.
Đề nghị, các quy hoạch phải lưu trữ ở UBND phường, xã để công dân chỉ cần đến là có thông tin. Còn phần của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, phần nào liên quan đến xã, phường đó thì lưu trữ ở đó để người dân còn có điều kiện tiếp cận. Nếu cứ như thế này, luật Tiếp cận thông tin của chúng ta cũng không phát huy tác dụng, càng ngày càng tạo khó khăn cho người dân tiếp cận thông tin, lãng phí trong việc thực hiện quy hoạch”.
Đỗ Thơm – Dương Thu