Tính nồng độ cồn thế nào?
Tại hội trường Quốc hội sáng 23/5, nhiều ĐBQH đã bày tỏ băn khoăn của mình xoay quanh dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu, bia.
Trong đó, khi góp ý về dự thảo luật này, ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (Ksor Phước Hà, đoàn Gia Lai) cho biết, đại biểu hoàn toàn ủng hộ sự cần thiết phải ban hành luật để ngăn ngừa hậu quả khủng khiếp của rượu, bia.
Mặc dù vậy, nữ đại biểu cho hay, nhiều nội dung cần phải nghiên cứu cẩn thận, nếu không sẽ khó đi vào được cuộc sống.
Nói về điều khoản quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên, hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức”, vị đại biểu này cho rằng, nồng độ cồn như thế nào, bao nhiêu là đủ phụ thuộc vào thể trạng, cơ địa của từng người.
Chia sẻ đến đây, đại biểu Hà nêu ví dụ thực tế: “Tôi lấy ví dụ, cùng một nồng độ cồn, cùng một lượng rượu bia, khi đưa vào máy đo với mỗi người lại cho kết quả khác nhau. Có người uống chỉ 1 ly thôi đã tắt thở rồi, nhưng có người uống 1 lít cũng bình thường. Ngay cả một đứa trẻ có thể uống vào thì không sao nhưng một người trưởng thành uống vào lại có sao. Bản thân tôi, ngay từ khi còn bé, tôi uống rượu ở làng, uống vào bình thường thôi chứ đâu có làm sao, nhưng có người uống vào quay cuồng nằm bất tỉnh”.
Khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh
Cũng bày tỏ quan điểm của mình xoay quanh luật này, ĐBQH Phạm Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho biết: “Với quy định về quảng cáo nếu xác định quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần xem xét 2 vấn đề.
Thứ nhất, xác định số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; Thứ hai, kiểm soát nội dung quảng cáo để các em không bị nhầm tưởng rằng rượu bia là tốt, khuyến khích sử dụng.
Khi tôi khảo sát nhóm trẻ em từ 12 - 16 tuổi về các loại thức uống hiện nay, có đến 87,6% ý kiến các em không nhận thức được đâu là đồ uống có độ cồn từ 4,5% trở lên, 70% trẻ em khi được hỏi sau khi uống rượu bia trả lời rằng có cảm rác lâng lâng, thấy hơi chóng mặt, tim đập nhanh. Nhưng nguy hại ở chỗ gần 80% các em đều lựa chọn có thể tiếp tục sử dụng vì nó được quảng cáo là nước trái cây có gas hay nước hoa quả lên men.
Nếu không muốn nói là quảng cáo đã đánh tráo khái niệm thì điều này trái với việc nghiêm cấm cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe đã được nêu trong quy định. Mặt khác đồ uống có cồn không được đưa vào dự thảo luận.
Trên thực tế các loại bia được bán trong nước hiện nay có độ cồn từ 4,2 - 5%. Tổ chức Y tế thế giới đã nêu rõ bia đang là đồ uống phổ biến ở Việt Nam, với tình hình tiếp thị quảng cáo hiện tại, bia sẽ là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.
Do vậy, tôi đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%, khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18h - 21h ở điều 12”.
Đại biểu Minh Hiền cũng lý giải lý do vì sao cần điều chỉnh khung giờ quảng cáo: “Ai cũng biết rằng 19 - 20h là thời gian diễn ra chương trình thời sự, hầu như không có quảng cáo. Đó chỉ là khung giờ vàng với quan điểm người lớn chứ không có ý nghĩa giúp giới trẻ giảm tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và đồ uống có cồn.
Tôi cảm thấy dự thảo mới không phục vụ cho mục tiêu phòng chống tác hại của rượu bia, lấy lợi ích của người dân, người yếu thế là nạn nhân rượu bia làm cốt lõi.
Đối với biện pháp ngăn ngừa trẻ em mua rượu bia, tôi thấy bất ngờ khi dự thảo không còn cấm quy định cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên internet, vì nội dung này thực tế đã được quy định tại Nghị đinh số 132/2017 của Chính phủ. Đây là biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia. Không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung cấm cả bán rượu, bia trên internet.
Trong khi rượu bia không phải là hàng hoá bình thường mà là hàng hóa có nguy cơ gây nghiện, cần hạn chế tiêu dùng. Do vậy, chúng ta cần phải tạo ra các rào cản mạnh mẽ, phù hợp với xu hướng, không nên tạo thêm cơ hội cho tính sẵn có của rượu bia cho người tiêu dùng nói chung và đặc biệt là trẻ em vị thành niên, phụ nữ.
Cái được, cái mất của sự phát triển nền công nghiệp rượu bia hẳn bất kỳ ai cũng đã rõ. Xin hãy đề cao trách nhiệm, không vô cảm bỏ quên trẻ em, thanh thiếu niên - những nạn nhân yếu thế bởi hậu quả nặng nề của rượu bia khi bấm nút thông qua. Chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hớn sự đánh đổi giá trị sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em”.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) chia sẻ, cả nước hiện đang “nóng” lên vì lái xe uống rượu bia gây tai nạn, tổn hại sức khỏe, tính mạng của người dân. Vì thế, Quốc hội lần này thông qua dự thảo luật sẽ được người dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ. Theo đại biểu, để nâng cao hiệu lực hiệu quả của luật, làm chuyển biến nhận thức của người dân là điều hết sức quan trọng.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: “Trường hợp người uống rượu bia gây tai nạn và hậu quả nghiêm trọng, nhưng qua điều tra phát hiện nguyên nhân do bị ép uống hoặc chất lượng rượu bia gây ảnh hưởng thì tùy theo mức độ sai phạm để xử lý xử phạt và truy cứu trách nhiệm”.
Đạo đức xuống cấp có nguyên nhân xuất phát từ rượu bia
ĐBQH Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cũng bày tỏ sự thất vọng khi các chế định được xem là xương sống của dự án Luật Phòng chống tác hại rượu bia như cấm quảng cáo bia, cấm bán rượu bia trên internet, quy định giờ cấm bán đã bị đẩy ra ngoài dự thảo lần này. Làm cho các vấn đề đặt ra ở kỳ họp thứ 6 dù đã có giải trình nhưng chưa thỏa đáng.
“Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến về sự xuống cấp của đạo đức có nguyên nhân xuất phát từ rượu bia, thì việc tiếp cận dễ dàng đồ uống có cồn có đảm bảo các giá trị xã hội. Chúng ta phẫn nộ, lên án các hậu quả của rượu bia thì vì sao lại kỳ kèo mặc cả với lương tâm của mình khi đủ sáng suốt thẩm quyền để giảm thiểu vấn đề trên. Đừng để đạo Luật đầy tính nhân văn trở thành công cụ đảm bảo ngôi vương trong tiêu thụ rượu bia, thúc đẩy tái nghèo”, ĐBQH Phạm Trọng Nhân nói.
Nhóm PV Quốc hội