Chiều 11/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với sự cần thiết phải sửa đổi luật cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều đại biểu Quốc hội rất mừng, cảm nhận được thái độ tích cực, cầu thị của các cơ quan chức năng trong công tác bồi thường oan sai. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân thuộc cơ chế pháp luật dẫn đến việc giải quyết bồi thường oan trong một số vụ còn nhiều điều đáng suy nghĩ.
ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu ý kiến: “Ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy rất day dứt khi nhận được tin lại có thêm một người bị oan. Đồng thời, chúng ta cũng cảm thấy không yên lòng khi công tác giải quyết bồi thường oan sai còn nhiều khúc mắc.
Trong thời gian qua, mặc dù số lượng các vụ án oan chiếm tỉ lệ rất ít trên tổng số các vụ án đã giải quyết, xong hậu quả mà nó gây ra là rất nghiêm trọng. Có thể kể đến các vụ án oan điển hình như: vụ ông Thêm ở Bắc Ninh hay ông Nén ở Bình Thuận, vụ ông Chấn ở Bắc Giang”.
Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Thị Thủy góp ý vào vấn đề bồi thường oan trong tố tụng hình sự, cụ thể là việc tổ chức công khai xin lỗi người bị oan.
ĐB Thủy đưa quan điểm: “Mọi trường hợp làm oan, cơ quan tố tụng có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai người bị oan mà không phụ thuộc việc họ có yêu cầu hay không theo quy định của dự thảo tại các Điều 4, 41 và 56. Trình tự thủ tục xin lỗi cần quy định rõ, vì một trong những nguyên nhân dẫn đến xin lỗi hình thức như thời gian qua là do luật hiện hành chưa quy định cụ thể, dẫn tới có trường hợp, thời gian bị oan là 4 năm nhưng thời gian xin lỗi chỉ 5 phút đã khiến người bị oan bật khóc ngay sau khi chủ tọa tuyên bố kết thúc”.
“Có những thiệt hại nghiêm trọng, trực tiếp do oan sai gây ra, liên quan đến bị giam oan, tù oan, thậm chí là tử hình oan. Nếu đặt vấn đề phải có yêu cầu mới bồi thường, không có yêu cầu không bồi thường là chưa thể hiện sự thực tâm, thực lòng mong muốn bù đắp cho người bị oan. Do đó, cần quy định, với những thiệt hại quy định tại Điều 27 là đương nhiên Nhà nước phải bồi thường, không cần yêu cầu”, ĐB Thủy nhấn mạnh.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đồng tình với ĐB Thủy, cho rằng: “Việc công khai xin lỗi phải thực tâm, chân thành, cầu thị, góp phần xoa dịu nỗi khổ mà người oan sai phải gánh chịu”.
“Thời gian qua, việc giải quyết bồi thường cho người bị oan ở một số vụ việc rất chậm trễ. Ví dụ, vụ ông Chấn ở Bắc Giang, tổng thời gian từ khi bắt đầu thương lượng lần thứ nhất đến khi nhận đủ tiền bồi thường là 1 năm 1 tháng.
Vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận từ khi bắt đầu nộp đơn yêu cầu bồi thường đến nay là 7 tháng, vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết… Đặc biệt là vụ ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình mất hơn 10 năm tính đến khi nhận tiền bồi thường”, ĐB Phương Hoa nêu ví dụ.
Từ đó, ĐB Phương Hoa đề nghị rà soát thêm các quy định tại dự thảo luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, để người bị oan sớm nhận được bồi thường. “Nếu được, thì tối đa 50 ngày, mọi thủ tục cơ bản phải được giải quyết xong”, ĐB Phương Hoa đề nghị.
Cũng đề nghị đơn giản hóa thủ tục bồi thường oan sai, ĐB Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) lấy ví dụ giải quyết thủ tục hành chính gây thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, việc cán bộ cố ý giải quyết chậm không phải bồi thường cho dân nhưng công dân hoặc tổ chức chậm nộp thủ tục kê khai thuế thì bị coi là phạm tội trốn thuế.
Thu Dương – Đỗ Thơm (ghi)