Chiều 26/5, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu.
Liên quan đến việc dự thảo Nghị quyết đề xuất việc rút gọn thủ tục để mua bán, thanh lý các tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng, Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (đoàn TP.HCM) cho rằng rất khó có thể rút gọn được.
Đại biểu Thúy phân tích: “Thủ tục cho vay với nhiều hợp đồng quá dễ dãi. Cán bộ thẩm định tài sản cho vay cũng không đúng. Nhiều tài sản có giá trị thấp nhưng được cho vay với số tiền rất lơn. Rõ ràng, có tiêu cực ở đây. Các trường hợp này rất nhiều. Trong quá trình khó khăn, các chủ tài sản còn đem tài sản này đi thế chấp bất hợp pháp cho bên thứ ba nữa. Các tài sản có người thứ ba chiếm giữ hoặc tài sản không còn thì phải làm theo trình tự luật Tố tụng dân sự.
Theo tôi, dự thảo đề nghị giải quyết các tài sản cầm cố, thế chấp theo thủ tục rút gọn để xử lý nợ xấu trong khi hiện nay, còn rất ít tài sản có thể đưa vào thủ tục rút gọn. Đưa ra tòa thì phải theo luật Tố tụng dân sự, thi hành án thì phải theo luật Thi hành án. Nghị quyết này đưa ra trong tình hình hiện nay, theo tôi chưa thể thực hiện được”.
Đồng quan điểm lo ngại về tính khả thi của Nghị quyết, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, Nghị quyết có tính khả thi không cao.
“Tôi đề nghị Chính phủ cần làm rõ vì sao chúng ta đã thành lập ra tổ chức VAMC để giải quyết nợ xấu nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng nhiều khoản nợ xấu. Chính phủ nêu 4 lý do đều nói đến vướng các quy định pháp luật nhưng tôi thấy chưa thuyết phục.
Chính phủ phải làm rõ thu hồi tài sản thông qua thế chấp còn không, còn bao nhiêu và có thu hồi được không. Có các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người cho vay, tại sao các ngân hàng cho vay lại không thu hồi được?
Thực tế, thời gian vừa qua, có một tình trạng các chủ dự án đi vay ngân hàng để làm dự án, lấy sổ đỏ dự án đó đi vay ngân hàng khác. Tiền đi đâu không biết, sổ đỏ của dân không làm được. Tôi cũng đề nghị làm rõ khái niệm “mua bán tài sản theo giá thị trường”. Tôi e rằng vấn đề này rất dễ bị lợi dụng. Tôi lo chúng ta ra một nghị quyết với mục tiêu rất tốt nhưng với các điều khoản như trong dự thảo, tôi sợ nó sẽ bị méo mó, làm lợi cho tổ chức, cá nhân và nếu không cẩn thận nó sẽ hợp thức hóa các khoản nợ xấu. Và những người gây nên các hậu quả này sẽ thoát trách nhiệm”, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Đại biểu Đoàn Hồng Phong (đoàn Nam Định) nhấn mạnh: “Nguyên tắc xử lý nợ xấu là không được dùng ngân sách. Đây là vấn đề quan trọng. Không cẩn thận chúng ta lại biến ngân sách thành tiền cho các tổ chức tín dụng. Ví dụ câu chuyện hiện nay nhiều người đang băn khoăn đó là việc mua ngân hàng 0 đồng. Câu hỏi đặt ra là tổng dư nợ cho vay, tổng phải trả, tài sản đảm bảo là bao nhiêu, liệu có ở mức 0 hay âm? Nếu mà âm thì một doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước bỏ tiền ra mua, tức là đã có ngân sách Nhà nước trong đó”.
Đỗ Thơm