Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáng 9/11, ĐBQH Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) cho biết, đại dịch Covid-19 chính là phép thử với nền kinh tế và đã bộc lộ những thách thức, khó khăn đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu Lan đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm một số nội dung, trong đó cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng, tập trung kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc - Nam, phát triển cảng biển các tỉnh miền Trung, đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng liên vùng các tỉnh Tây Nguyên với Tp.Hồ Chí Minh, kết nối hệ thống đường cao tốc mang tính liên vùng giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc.
“Đề nghị quan tâm xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang để liên kết vùng và các tỉnh trong khu vực, gắn kết giao thông cửa ngõ đối ngoại với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang”, đại biểu Lan đề xuất.
Đại biểu Lan cho rằng, việc xây dựng đường cao tốc tới Hà Giang sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh địa bàn chiến lược của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc kết nối với các khu kinh tế trọng điểm trong cả nước.
Mở rộng nhà máy thủy điện Sơn La
ĐBQH Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) đánh giá cao sự quyết tâm, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chồng chất của dịch bệnh, thiên tai, đặc biệt là trước đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Là tỉnh miền núi Sơn La và một số tỉnh Tây Bắc nói chung kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ nên chưa thúc đẩy được liên kết vùng, lại là những tỉnh thường xuyên chịu sự tác động và tàn phá của thiên tai nên mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền xuôi là rất khó khăn.
Chính vì vậy, đại biểu Đôi đồng tình rất cao với nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông. Năng lực hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa xã hội mà Chính phủ đề ra trong báo cáo.
Đại biểu Đôi cũng kiến nghị một số giải pháp, đó là đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tiến tới tiếp tục quan tâm đầu tư đường cao tốc thành phố Sơn La - Điện Biên để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền núi Tây Bắc. Tăng cường liên kết vùng, tạo ra vùng động lực mới phía Tây Bắc của đất nước.
Đồng thời, đại biểu đoàn Sơn La kiến nghị cần sớm chỉ đạo nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương nghiên cứu mở rộng quy mô công suất Nhà máy thủy điện Sơn La.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện tại tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo đã được phê duyệt quy hoạch là xấp xỉ 34.720MW. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo nối lưới có đặc tính bất định trong công suất phát, đồng thời mức độ chênh lệch phụ tải quốc gia trong ngày lớn khoảng 26.000MW vào năm 2030 nên cần phải có các nguồn dự phòng có khả năng điều chỉnh công suất nhanh, dải điều chỉnh rộng.
Đến thời điểm hiện tại, các vị trí có thể xây dựng mới nhà máy thủy điện có quy mô công suất lớn trên 100MW đã khai thác hết. Vì thế nên cần xem xét, nghiên cứu khả năng mở rộng quy mô công suất các nhà máy thủy điện hiện hữu đang vận hành.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng kiến nghị cho phép các địa phương sử dụng 100% nguồn cải cách tiền lương năm 2021 còn dư để chi công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường hợp địa phương tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm 2022. Đồng thời, xem xét điều tiết 100% phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện ô tô cho ngân sách địa phương để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông.