Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra các dẫn chứng và lý lẽ để minh chứng cho sự cần thiết xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam ngay sau khi luật Đường sắt (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu thuận là 80,86% tại Kỳ họp thứ 3.
Qua khảo sát đường sắt ở Trung Quốc, tôi nhận thấy: Trung Quốc hiện có mạng lưới đường sắt lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ, với khoảng 124.000km đường sắt quốc gia (trong đó có hệ thống đường sắt tốc độ cao lớn nhất thế giới với 22.000km và 1.900km đường sắt đô thị tại 20 thành phố).
Hiện tại, đường sắt Trung Quốc chịu trách nhiệm chuyên chở 92% gỗ, 96% dầu thô, 94% than đá, 89% thép và vật liệu khác. Giá thành chi phí chỉ bằng 40% đường bộ. Có thể thấy, hàng hóa Trung Quốc rẻ, có sức cạnh tranh trên thế giới một phần do chi phí logistics (vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác…) giảm và vận chuyển chủ yếu là nhờ đường sắt.
Thêm nữa, năm 2015, đường sắt Trung Quốc vận chuyển 3,21 tỷ lượt hành khách, tức gấp 2,47 lần số dân Trung Quốc hiện nay. Mỗi ngày, Trung Quốc đáp ứng 9,6 triệu chỗ ngồi trên nhu cầu khoảng 9,8 triệu lượt hành khách. Ngành đường sắt nước này nộp ngân sách khoảng 10 tỷ USD/năm, đóng góp cho GDP là 1%.
Nếu đường sắt Việt Nam đầu tư và đáp ứng khoảng 1/2 dân số, tức khoảng 45 triệu lượt hành khách/năm sẽ giảm được áp lực cho ngành hàng không và đường bộ rất lớn.
PV: Trong thời điểm nguồn ngân sách có hạn như hiện nay, đề xuất này liệu có khả thi?
ĐBQH Lê Công Nhường: Nếu chi phí làm đường sắt của Việt Nam bằng của Thái Lan như một số báo đưa tin, tuyến đường cao tốc Bangkok - Nong Khai là 13,9 tỷ USD/874km thì đường sắt cao tốc Hà Nội – Cà Mau 1.500km sẽ tương đương 23,8 tỷ USD.
Theo thông tin từ các chuyên gia, nếu làm đường sắt tốc độ 200km/h thì chi phí bằng 80% chi phí đường cao tốc. Vậy nếu ta làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam và đến Cà Mau thì chi phí cho tuyến đường sắt này là khoảng 19 tỷ USD. Qua phân tích trên, tôi đề xuất với Chính phủ nên ưu tiên đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam và kết nối đến Cà Mau với tốc độ 200km/h.
PV: Lý do khiến ông tin tưởng đường sắt tốc độ cao 200km/h sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cải tổ sự trì trệ của ngành đường sắt như hiện nay?
ĐBQH Lê Công Nhường: Chúng ta vừa mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh phía Tây chưa khai thác cũng để xuống cấp, trong khi đường sắt lại đang rất lạc hậu.
Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ là cơ sở để phát triển đường sắt một cách bền vững. Nếu làm được đường sắt cao tốc như tôi nói ở trên, thời gian đi từ Hà Nội – TP.HCM và ngược lại chỉ mất 7 giờ đồng hồ. Như vậy chắc chắn sẽ giảm áp lực cho ngành hàng không và đường bộ (cao tốc đường bộ chỉ 120km/h); sẽ đáp ứng được vận tải hàng hóa.
Bên cạnh đó, khi đường sắt cao tốc này được đưa vào sử dụng sẽ kết nối được với các cảng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh… Chi phí logistics sẽ giảm được rất nhiều, tăng cạnh tranh hàng hóa Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Không chỉ kết nối được vựa lúa miền Nam, giải phóng sức sản xuất cho miền Tây mà tuyến đường sắt cao tốc có thể giúp cải tổ và phát triển được tổng công ty Đường sắt, góp phần phát triển GDP và nộp ngân sách Nhà nước tốt hơn.
Thêm nữa, đầu tư ngành đường sắt có thể thu hút tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài do sự hấp dẫn từ việc hình thành các khu đô thị bên cạnh các nhà ga và các trung tâm thương mại quanh ga. Khi đường sắt phát triển, kinh tế phát triển, giảm chi phí, đóng góp GDP sẽ có nguồn lực làm tiếp đường bộ cao tốc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu