Ngày 9/6, QH tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017.
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) phát biểu: “Chính phủ đã giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế: xử lý các nút thắt của nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, chú trọng phát huy mọi nguồn lực. Tính ổn định của nền kinh tế còn nhiều vấn đề đáng lo nhưng vẫn duy trì tăng trưởng, nâng dần năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện để khả năng thích ứng của nền kinh tế tốt hơn, chủ động hơn.
Độ nhạy trong điều hành chính sách được nhân dân tin tưởng thông qua chỉ đạo sát thực tiễn của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Sức ép trong điều hành tài chính khi dấu hiệu mất cân đối đang hiện hữu là thách thức lớn cho Chính phủ và Quốc hội...
Các thách thức này buộc Chính Phủ phải quyết liệt hơn, 9 nhóm giải pháp phải đồng bộ, chọn nội dung ưu tiên để dồn công sức, trí tuệ tạo chuyển biến thực sự. Chúng tôi chia sẻ với Chính Phủ, song hy vọng Chính Phủ và QH chú trọng thêm những vấn đề bất an mà nhân dân luôn bức xúc”.
ĐB Đặng Thuần Phong nêu lên những vấn đề bất an mà cử tri đang khá bức xúc. ĐB Phong nêu:
Tham nhũng và lãng phí quá lớn chưa chặn đứng là vấn nạn đưa quốc gia đến bờ vực của sa sút lòng tin, tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động.
Sự xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, đặc biệt là nạn chú trọng đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao nếu theo chỉ số thì mỗi người dân có thể gánh 1.000 USD và xu hướng còn tăng những năm tới. Áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%, mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng, làm 1 đồng nhưng xài tới 3 đồng. Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn
Thương mại hóa các quan hệ xã hội, đồng tiền chi phối mọi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền. Đáng lo hơn là đồng tiền làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách và đâm thủng cả pháp luật. Minh chứng cho vấn đề này là hiện tượng “chạy” ở Việt Nam.
Thực tế rất đau lòng, trong lòng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ, chập chững đi đã chạy trường, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải chạy trường, chạy lớp, chạy điểm; khi tuyển dụng thì chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luôn chuyển; vi phạm pháp luật thì chạy được ra; truy tố chạy án, thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa kí kết về dẫn độ tội phạm để an tâm.
Thêm nữa, người dân không thể an tâm khi rừng hết, biển dần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau chắc còn trong lịch sử. Đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số không có, trong khi đó đất nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả.
Chính sách trải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư, sự hời hợt thiếu trách nhiệm trong thẩm định, đánh giá từng bước biến Việt Nam thành điểm đến của công nghệ rác, công nghệ lạc hậu và hệ lụy môi trường không sao tả nổi khi sông đã chết, đất chết và từ từ biển chết. Đừng vì tăng trưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc, tiền có thể nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất mà chúng ta đang mất.
Bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ về ATGT, gặp chuyện bất bình không dám can thiệp vì bị vạ lây. Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức mang tính phổ biến trong ứng xử của con người”.
Đồng quan điểm về việc chưa có chuyển biến rõ nét trong nền kinh tế, ĐB, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) phát biểu: “Những vấn đề khó khăn, tồn tại của nền kinh tế chưa được khắc phục. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, VSATP chưa được kiểm soát… gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế, sức khỏe và niềm tin nhân dân. Trong khi đo, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao (65%) mà chưa có giải pháp khả thi hiệu quả. Chi cho đầu tư phát triển thấp làm tăng nợ công, mất cân đối về nguồn lực”.
Đỗ Thơm (ghi)