Vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La những ngày qua thực sự gây chấn động dư luận. Đặc biệt khi cơ quan điều tra cho biết, “chi phí” giúp rút bài sửa nâng điểm có bị can khai, trung bình mỗi trường hợp "giá" là một tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La, ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã nâng điểm thi cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, đồng nghiệp và người quen nhờ vả. Đáng chú ý, theo lời khai ông Yến, trong số 13 thí sinh này có 8 trường hợp do chính Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức "gửi gắm".
Trước thông tin trên, khi phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin liên hệ với giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La thì vị này đã trả lời: “Bố láo, bố lếu, làm gì có chuyện đấy”.
Tuy nhiên, từ khi xảy ra sự cố thi cho đến nay, với tư cách là người đứng đầu ngành, Chủ tịch hội đồng thi nhưng nhiều người cho rằng Giám đốc sở này lại phủi bay trách nhiệm, cũng không chính thức lên tiếng, thông tin nhận trách nhiệm của người đứng đầu địa phương khi để xảy ra sự cố. Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi, trong đó dấu hỏi lớn nhất chính là về trách nhiệm của người đứng đầu ngành tại địa phương?
Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh:
“Trong quy chế quản lý nhà nước, Thủ tướng đã quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu, khi địa phương anh xảy ra vi phạm thì trách nhiệm của người đứng đầu phải có thái độ với nhân dân, phải nêu rõ nội bộ trong ngành tại sao để xảy ra vi phạm.
Trước mắt, anh phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước học sinh, phụ huynh, giáo viên của tỉnh Sơn La và cả nước khi để xảy ra vi phạm. Mà việc vi phạm này là vi phạm một cách trầm trọng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với ngành giáo dục, không chỉ ở Sơn La mà cả nước, người dân chờ thái độ của giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La là phải xin lỗi nhân dân, khi để ngành mình xảy ra vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự từ phó giám đốc đến hàng loạt những cán bộ khác”.
Từ những ý kiến nêu trên, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng: “Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La cần phải có thái độ tích cực trong việc nhận thức lỗi, sai lầm trong công tác quản lý của mình, khi để xảy ra vi phạm đó. Phải đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu, tư cách là một Đảng viên phải chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng, về mặt quản lý nhà nước là phải chịu trách nhiệm trước tập thể UBND tỉnh, trước HĐND tỉnh Sơn La. Với tư cách là ĐBQH tôi đề nghị Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La phải nhận lỗi trước cử tri và nhân dân cả nước với hành vi của ngành mình phụ trách”.
Cũng trao đổi xoay quanh trách nhiệm của người đứng đầu, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La là người quản lý đứng đầu ngành tại địa phương, khi xảy ra tiêu cực thì không thể phủi bay trách nhiệm được. Về điều này các cơ quan quản lý nhà nước phải lên tiếng như bộ GD&ĐT, bộ Công an phải trả lời trước công luận việc này cho rõ ràng, công khai, minh bạch cho nhân dân, đồng thời cứ đúng luật mà xử lý”.
Trước đó, như đã đưa tin cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã vừa kết thúc điều tra giai đoạn 1, chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh đề nghị truy tố 8 người trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại địa phương này.
Cụ thể, 8 bị can bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356, Bộ luật Hình sự 2015, gồm: Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (cựu phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu); Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng Khảo thí sở GD&ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng khảo thí sở GD&ĐT Sơn La); Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, nguyên đội phó đội giáo dục, Phòng an ninh chính trị nội bộ); Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ).
Nhóm PV Quốc hội