ĐBQH: Giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND tỉnh là phù hợp

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 19/05/2025 15:06

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã bổ sung việc tăng thẩm quyền về giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND tỉnh, theo ĐBQH Nguyễn Hữu Chính, quy định này là phù hợp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 19/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND).

Tăng hiệu quả trong quản lý Tòa án khu vực

Tham gia góp ý kiến, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho hay, điểm nổi bật trong việc sửa luật lần này là tăng thẩm quyền về giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND tỉnh và sắp xếp mô hình TAND theo 3 cấp gồm: TAND Tối cao, Tòa án tỉnh, Tòa án khu vực.

Về thẩm quyền giám đốc và tái thẩm, đại biểu Chính tán thành việc dự thảo luật giao thẩm quyền về giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND tỉnh. Đây không phải là lần đầu tiên quy định này được đưa vào Luật Tổ chức TAND.

Luật Tổ chức TAND năm 2002 đã có điều khoản quy định thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND tỉnh. Quy định này đã phát huy hiệu quả trong quản lý và tổ chức xét xử của Tòa án tỉnh trong giai đoạn dài.

Đến Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã sửa đổi theo hướng không giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND cấp tỉnh, thay vào đó giao thẩm quyền cho TAND cấp cao.

Đại biểu nêu bất cập, theo luật cũ, khi phát hiện bản án có vi phạm trong giải quyết án, Tòa án tỉnh chỉ có chức năng kiến nghị TAND cấp cao xem xét lại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo trình tự giám đốc, tái thẩm.

Một số Tòa án khi quyết định xem xét nhưng không kịp chuyển hồ sơ do khoảng cách địa lý quá xa. Có trường hợp, khi xem xét đã hết thời hiệu ảnh hưởng đến kết quả giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân.

Do đó, việc sửa đổi luật về quy định này là "thiết thực và phù hợp". TAND cấp tỉnh sẽ tăng hiệu quả trong quản lý Tòa án khu vực, bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật. Kịp thời kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án khu vực có vi phạm pháp luật. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

ĐBQH: Giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND tỉnh là phù hợp- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính.

Ngoài ra, theo đại biểu, dự thảo luật lần này quy định, hệ thống Tòa án có Tòa án quân sự quân khu - tương đương Tòa án cấp tỉnh. 

Trước đây, luật quy định thẩm quyền của Tòa án quân sự quân khu được giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực. Nhưng dự thảo luật lần này chưa quy định. 

"Tôi kiến nghị bổ sung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho Tòa án quân sự quân khu đối với bản án, quyết định của Tòa án khu vực có vi phạm pháp luật, để đảm bảo tính thống nhất trong tòa án", đại biểu cho hay.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, điều 8, dự thảo luật bổ sung cơ cấu TAND cấp tỉnh gồm: Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách (Tòa hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, gia đình và người chưa thành niên).

Tuy nhiên, luật quy định Tòa án khu vực chỉ bao gồm Tòa hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, gia đình và người chưa thành niên. Không có Tòa Lao động. Nếu quy định như vậy, chỉ có Tòa án cấp tỉnh mới có Tòa Lao động. 

Có thể hiểu rằng, Tòa Lao động sẽ giải quyết sơ thẩm tại Tòa khu vực. Khi có kháng cáo, kháng nghị sẽ do Tòa Phúc thẩm- TANDTC giải quyết. 

Tuy nhiên, dự thảo luật lại quy định, Tòa Phúc thẩm- TANDTC chỉ xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự. Không xử án lao động. 

"Vậy chức năng xét xử phúc thẩm vụ án lao động của Tòa án cấp tỉnh bị kháng nghị sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nào?", đại biểu Chính nêu.

Từ đó, đại biểu Chính kiến nghị sửa đổi luật theo hướng, tổ chức Tòa án khu vực có có Tòa lao động, Tòa án cấp tỉnh có chức năng xét xử phúc thẩm các tranh chấp lao động của Tòa án khu vực.

Giải trình ý kiến này, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí cho biết sẽ tiếp thu thẩm quyền kiến nghị của Chánh án TAND khu vực để bổ sung vào dự thảo Luật.

Về thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án quân sự, ông Trí cho biết trong đề án đã có báo cáo và đã được cấp thẩm quyền thông qua là giữ nguyên tổ chức và thẩm quyền của các Tòa án quân sự hiện nay.

Bổ sung nhiệm vụ TAND cấp tỉnh 

Tham gia ý kiến, ĐBQH Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) góp ý về mối quan hệ phối hợp và chế tài kiểm tra giữa TAND cấp tỉnh và cấp khu vực. 

Dự thảo luật đã bổ sung cấp TAND khu vực thay cho TAND cấp huyện hiện hành, giữ nguyên TAND cấp tỉnh với vai trò quản lý theo địa bàn hành chính cấp tỉnh, giao quyền xét xử sơ thẩm thông thường cho TAND cấp khu vực huyện phúc thẩm và giám đốc thẩm cho TAND cấp tỉnh. 

ĐBQH: Giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm cho TAND tỉnh là phù hợp- Ảnh 2.

ĐBQH Thạch Phước Bình.

Tuy nhiên, cơ chế giám sát, phối hợp kiểm tra giữa 2 cấp này chưa được dự thảo luật quy định rõ. Theo đại biểu, nếu không làm rõ mối quan hệ và chế tài kiểm tra, theo ông dễ xảy ra tình trạng quản lý chồng chéo hoặc bỏ ngỏ nếu TAND cấp tỉnh không có cơ chế kiểm tra thực chất với TAND khu vực, chất lượng xét xử tại cơ sở dễ bị bỏ ngỏ. 

Nếu kiểm tra thiếu ranh giới rõ ràng có thể gây xung đột quyền lực nội bộ, ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của tòa.

Mặt khác, điều này cũng gây khó khăn trong điều hành đào tạo và điều chuyển cán bộ. TAND  tỉnh hiện đang là đơn vị điều phối dân sự và đào tạo, tập huấn toàn tỉnh, nếu không rõ cơ chế điều phối với TAND khu vực sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực và tính thống nhất về chuyên môn.

Cùng với đó, thiếu kênh phản hồi và giám sát chéo, không có chế tài kiểm tra rõ ràng sẽ dẫn tới thiếu kênh xử lý vi phạm tại TAND khu vực, thiếu cơ chế giám sát chất lượng xét xử, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không kiểm soát được nguy cơ tiêu cực ở cấp xét xử đầu tiên. 

Từ đó, đại biểu kiến nghị bổ sung nhiệm vụ TAND cấp tỉnh là thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất đối với hoạt động xét xử giải quyết vụ việc của TAND khu vực thuộc địa bàn, báo cáo kết quả kiểm tra, báo cáo kết quả và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm lên Chánh án TAND tối cao, bổ sung nhiệm vụ giám sát chéo về cơ cấu TAND cấp tỉnh. 

Theo đó, Chánh án TAND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ đối với TAND khu vực về hoạt động chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện kỷ luật công vụ, báo cáo định kỳ về TAND tối cao.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.