Tiếp tục chương trình làm việc của mình trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng nay 22/5, các đại biểu của Tổ 9 (Đồng Nai, Tuyên Quang, Bình Định) đã đưa ra nhận xét về báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội về vấn đề Kinh tế - Xã hội.
ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần phải bổ sung thêm vấn đề “tâm thế xã hội”, bởi đây là vấn đề rất quan trọng. “Chúng tôi đánh giá những gì chúng ta chứng kiến trong thời gian vừa qua Chính phủ làm rất đáng ghi nhận. Đã huy động được sức mạnh người dân, củng cố niềm tin. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải báo cáo thêm vấn đề tâm thế xã hội, đây là cốt lõi giúp lấy lại giá trị đạo đức xã hội đã bị đánh mất”, ĐBQH Dương Trung Quốc nói.
Cụ thể, ông Quốc cho biết, thời gian qua nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức xã hội đang bị “tổn thương”, tình trạng gian dối trong mọi lĩnh vực của đời sống diễn ra như một hồi chuông cảnh báo.
Đồng ý với những gì ông Dương Trung Quốc nói, ĐBQH Hoàng Bình Quân (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, Chính phủ đã rất cố gắng, tuy nhiên ông Quân cũng bày tỏ những lo lắng. “Chính phủ đã rất cố gắng. Tôi cảm nhận và chia sẻ với ý kiến anh Dương Trung Quốc. Báo cáo như này thì mừng quá, chẳng có gì phải lo lắm. Nếu theo tinh thần tiến lên, báo cáo phải nhìn nhận nhiều vào những điều chưa được”, ông Quân đưa ra góp ý.
Từ đó, vị đại biểu đoàn Tuyên Quang bắt đầu chỉ ra những vấn đề và đóng góp ý kiến của mình. “Tôi nói đến 1 chữ “chậm”. Sao cái gì mình cũng chậm? Triển khai chậm, cụ thể hóa chậm, giải ngân chậm, xét xử chậm… cái gì cũng chậm thế thì không được nữa rồi. Thế giới nhanh lắm, chuyển biến nhanh lắm, người ta lên tàu điện chạy vù vù còn mình vẫn đứng ở sân Ga… không được nữa rồi”, vị đại biểu tâm tư.
Mặc dù chậm như vậy, nhưng BĐQH Hoàng Bình Quân quan ngại vấn đề ở chỗ chúng ta chưa biết chậm là do đâu. Ông nói: “Chậm không biết do ai, từ đâu, cứ chung chung. Trung ương không nhận, địa phương không, dân cũng không nhận thì không biết thế nào. Tôi cho rằng Chính phủ phải xem xét kỹ tiến độ trong mọi vấn đề”.
Ông Quân lấy ví dụ trong tiến độ giải ngân vốn: “Tiến độ giải ngân trong các công trình có vốn đầu tư công chậm dẫn tới lãng phí. Làm các công trình giao thông chậm đến nỗi chưa làm cái mới mà phân độ cũ đã hỏng. Năm 2008, số vốn không giải ngân được là 93 nghìn tỷ. Việc giải ngân chậm đã là thâm niên, là lỗi năm nào cũng nói, cuối cùng không biết trách nhiệm về đâu”.
Cầm trên tay bản báo cáo, ông Quân đưa mắt nhìn các đại biểu xung quanh rồi tiếp tục nêu ra ví dụ của việc chậm trễ tạo ra một lực cản trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội: “Ý tiếp theo tôi nói tới là vấn đề miễn thị thực và kết nối hàng không là rào cản phát triển du lịch trong nước. Chúng ta hay tự hào về con số 15 triệu lượt khách du lịch Quốc tế mỗi năm, nhưng nhìn ra thế giới thì chúng ta không ăn thua gì đâu.
Tiềm năng ta có, đất nước mình rất đẹp… Tôi đã nghe nhiều các Sứ quán đề cập tới thủ tục cấp Visa của ta không theo kịp thế giới. Đó là chưa kể đến, khi làm du lịch thì nạn chặt chém, vệ sinh kém, dịch vụ kém… khiến cho sản phẩm du lịch của chúng ta chưa được nâng lên đúng tầm. Tôi không biết vướng ở đâu, nhưng phải làm nhanh, để mở đường cho du lịch phát triển”.
Tiếp tục với từ “chậm”, ông Quân chỉ ra yếu kém của ngành hàng không: “Kết nối hàng không rất chậm, các nước đề nghị kết nối nhưng hàng không mình không có làm. Hàng không của ta tính cạnh tranh kém quá. Cạnh tranh với tư nhân đã mệt rồi! Tôi đơn cử như sân bay Vân Đồn, tư nhân làm mất có 30 tháng, trong khi sân bay Điện Biên mà 5 năm nay không xong quy hoạch. Nếu giờ cho Vietjet hay Bamboo thì họ hứa làm có 24 tháng là xong”.
Chốt lại vấn đề, vị ĐBQH đoàn Tuyên Quang quả quyết, nếu như chúng ta giải quyết được vài cái chậm thôi là cũng giúp cho mọi thứ tốt hơn rất nhiều.
Về vấn đề phát triển kinh tế, ông Quân cho rằng, chúng ta cần lưu tâm nhiều hơn đến nguồn lực trong nước để phát triển, không nên dựa dẫm vào vốn đầu tư FDI: “Nguồn lực chúng ta có không hề nhỏ, trong khi chúng ta cứ mải mê với FDI, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này. Các doanh nghiệp nước ngoài, họ vào đây để khai thác nhân công giá rẻ, họ “ vắt chanh bỏ vỏ” sử dụng lao động đến 30 tuổi là đuổi việc”.
Cho rằng đây là vấn đề hết sức quan trọng, ĐBQH Hoàng Đình Quân khẳng định: “Sự tự chủ về kinh tế là mấu chốt. Chúng ta có an toàn về an ninh quốc phòng mà để mất tự chủ về kinh tế là nguy hiểm. Đơn cử như Samsung bây giờ họ “trở mình” một cái là chúng ta đã vất vả”.
Công Luân