ĐBQH Hoàng Văn Cường: Giáo dục không thể là một hàng hóa được

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Giáo dục không thể là một hàng hóa được

Nguyễn Thị Hường

Nguyễn Thị Hường

Thứ 6, 01/06/2018 18:18

“Khi dùng từ “giá” khiến dư luận cảm thấy có vẻ như nó là một thứ hàng hóa. Giáo dục thì không thể là một hàng hóa được”, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Giáo dục không thể là một hàng hóa được!

Ngày 30/5, trình bày trước Quốc hội các nội dung sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập đổi cụm từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”. Ngay sau đó, dư luận có nhiều ý kiến phản ứng về thuật ngữ trên.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin liên quan đến vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết: “Trong luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học có quy định “giá dịch vụ đào tạo”. Điều này là bởi vì từ trước đến nay người ta thu học phí dựa trên cơ sở luật Phí và Lệ phí. Theo đó, học phí được quy định cứng, do Nhà nước ấn định. Các trường cứ dựa vào đó mà thu.

Thế nhưng bây giờ thực hiện cơ chế tự chủ, Nhà nước không cung cấp tiền cho các trường, không ấn định các trường phải đào tạo chừng nào, mà các trường tự xác định chương trình dạy, xác định chi phí của mình và tự thu tiền.

Vậy thì dựa trên cơ sở nào để thu tiền? Các trường phải xác định ra giá của dịch vụ đào tạo đấy, từ đó mới thu học phí dựa trên giá đấy.

Như vậy, học phí là khoản tiền phải thu của người học nhưng cơ sở để thu học phí là dựa trên giá dịch vụ đào tạo”.

Đại biểu Cường phân tích thêm: “Ngày trước, sinh viên đi học cũng phải nộp học phí nhưng học phí là dựa trên luật Phí và Lệ phí. Còn bây giờ, sinh viên đi học sẽ nộp học phí dựa trên giá của dịch vụ đào tạo. Đó là 2 phạm trù khác nhau.

Ví dụ như giá của 1 tín chỉ là 1 triệu đồng. Như ngày xưa thì Nhà nước ấn định giá đấy, các trường cứ việc thu và người học thì cứ phải chấp nhận. Nhưng bây giờ người ta không để như thế nữa, các trường phải xác định. Ví dụ trường này đào tạo như thế này, sản phẩm ra như thế này thì phải 2 triệu đồng/1 tín chỉ. Nhưng trường khác lại là 1,5 triệu đồng.

Giả sử 1 kỳ anh học 10 tín chỉ, nhân với 1,5 triệu đồng là 15 triệu đồng chẳng hạn. Thì 15 triệu đồng đấy được gọi là học phí của 1 kỳ”.

ĐBQH Hoàng Văn Cường: Giáo dục không thể là một hàng hóa được

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Ảnh: Nguyễn Hường).

Theo ông Cường: “Tuy nhiên, khi dùng từ “giá” khiến dư luận cảm thấy có vẻ như nó là một thứ hàng hóa. Giáo dục thì không thể là một hàng hóa được.

Nhà nước quy định rất rõ, anh xác định giá dịch vụ đào tạo đó như thế nào. Tức là cái gì được xác định vào giá dịch vụ đào tạo?

Nếu là một hàng hóa thông thường, anh muốn tính bao nhiêu lợi nhuận và người mua chấp nhận thì Nhà nước không can thiệp. Nhưng giá dịch vụ đào tạo thì Nhà nước phải kiểm soát.

Chính vì thế phải đưa vào luật. Anh không được quyền tự xác định như giá hàng hóa thông thường. Có nghĩa đó không phải là hàng hóa.

Các khoản như tiền lương giáo viên, tiền chi phí cho giảng dạy trên giảng đường, tiền thiết bị hỗ trợ giảng dạy cho sinh viên như thế nào, tiền sinh viên được hưởng tiện ích thư viện điện tử ra sao… Tất cả những thứ đấy phải được công bố công khai trong cấu thành của giá.

Khi người học đóng tiền thì sẽ biết mình được hưởng các dịch vụ học như thế nào. Tức là người ta được quyền kiểm soát sản phẩm mà người ta bỏ tiền.

Tất nhiên, tiền mà người đi học phải trả cho cơ sở giáo dục đào tạo vẫn gọi đó là “học phí”. Như thế để tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại hóa trong giáo dục”.

Trường công - trách nhiệm xã hội phải cao

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Các trường ngoài công lập, giảng đường, nhà xưởng là của tư nhân bỏ tiền ra. Còn trường công lập thì trường đấy, đất đấy là Nhà nước bỏ ra. Nó khác nhau cơ bản nhất là chỗ này. Còn những vấn đề khác là như nhau, việc trả lương cho giáo viên, các trường công lập cũng tự chủ.

Trường ngoài công lập, anh được quyền xác định lợi nhuận. Sau khi thu tiền về, anh trả lương và các khoản chi phí khác đi rồi, khoản lãi còn lại anh có thể chia cho những người có cổ phần.

Nhưng trường công lập thì không thể có lợi nhuận, nó gọi là phi lợi nhuận.

Tức là anh thu bằng này tiền, anh làm gì đều phải công khai ra xã hội. Sau khi anh chi trả rồi, phần lợi nhuận anh phải đưa vào quỹ tích lũy. Quỹ này để xây dựng thêm trường, tôn tạo cơ sở, làm cho cơ sở đào tạo đó tốt lên.

Thứ hai, đối với những trường công lập anh phải có trách nhiệm xã hội.

Chẳng hạn, anh phải dành 1 tỷ lệ học phí bao nhiêu %, để anh cấp học bổng cho những người không có khả năng đóng học phí. Bắt buộc anh phải làm việc đấy để cho những học sinh con nhà nghèo mà học giỏi hoặc hoàn cảnh đặc biệt, vẫn có thể theo học trường đại học tốt. Càng là trường công, trách nhiệm càng phải cao hơn”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.