Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 15/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó
Đóng góp về dự án này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, dầu khí là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai, những đóng góp của ngành dầu khí thời gian qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, việc khai thác dầu khí là quá trình vô cùng khó khăn.
Về định hướng sửa đổi dự thảo Luật này, đại biểu cho rằng, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng là cần hình thành cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài.
“Đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần đề cao tính thận trọng bởi trên thực tế dầu khí là nguồn tài nguyên không tái tạo và trong những năm qua giá dầu khí luôn tăng cao”, bà Mai nêu.
Bà cũng chỉ ra, trên thực tế thời gian qua nước ta không có trường hợp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, nếu có cũng phải trả giá rất cao.
“Vì vậy, trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia, đại biểu đề nghị xem xét kỹ và không đầu tư ra nước ngoài lĩnh vực này bằng mọi giá”, bà Mai nhấn mạnh.
Cũng phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) nhất trí với những nội dung được nêu trong dự thảo Luật dầu khí, dự thảo đã nêu được gần như toàn bộ hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam, xác định được phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
Ông nêu rõ, thực chất hoạt động dầu khí liên quan đến những hoạt động sản xuất, kinh doanh dầu khí đã được quy định trong các văn bản luật khác của Nhà nước đã ban hành như Bộ luật Dân sự, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật kế toán, kiểm toán.
Tuy nhiên, do nhiều đặc thù của ngành dầu khí nên cần phải có những quy định riêng, đặc thù của ngành với những nội dung như điều tra cơ bản về dầu khí, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, triển khai thực hiện hoạt động dầu khí, ưu đãi trong hoạt động dầu khí, công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán đối với hợp đồng dầu khí, quyền, nghĩa vụ của nhà thầu….
Do vậy, quy định như Điều 4 về áp dụng các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế là hoàn toàn phù hợp.
Đại biểu nêu rõ, dự thảo Luật quy định về điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo, vùng biển của Việt Nam.
“Tuy nhiên, hoạt động dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không chỉ bó hẹp trong lãnh thổ Việt Nam mà còn có nhiều dự án hợp tác về dầu khí các quốc gia khác trên thế giới”, ông nói.
Do đó, vị đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung một chương riêng để làm rõ quy định về hợp tác đầu tư hoạt động dầu khí Việt Nam tại nước ngoài, quy định rõ những nội dung nào cần tuân thủ những quy định gì để tránh gây nên những thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước.
Quy định cụ thể trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, trong đó nêu rõ việc lựa chọn nhà thầu dầu khí áp dụng theo Luật Dầu khí.
Cũng theo đại biểu Mẫn, tại Chương III dự thảo luật quy định về lựa chọn nhà thầu dầu khí ký kết hợp đồng dầu khí. Theo đó, hợp đồng dầu khí được ký kết giữa PVN với nhà thầu dầu khí được lựa chọn thông qua thủ tục lựa chọn nhà thầu dầu khí.
Đồng thời, quy định cụ thể việc lựa chọn tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng khí đối với các lô dầu khí mở được thực hiện thông qua một trong các hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế chào thầu cạnh tranh hoặc chỉ định thầu.
“Việc lựa chọn nhà thầu dầu khí về bản chất là lựa chọn nhà đầu tư cho dự án dầu khí khác với lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ hàng hóa cho hoạt động dầu khí, không giống dự án đầu tư thông thường”, vị đại biểu nói.
Theo đại biểu, trong dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí.
Theo đó, cần quy định rõ việc lựa chọn nhà thầu dầu khí áp dụng theo quy định của Luật Dầu khí, không áp dụng Luật đấu thầu, Luật Đầu tư để lựa chọn nhà thầu dầu khí, đảm bảo việc áp dụng luật một cách thống nhất.
Cùng cho ý kiến về lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoạt động dầu khí.
Theo đó gồm: Các cá nhân, công ty dầu khí nước ngoài PVN, các doanh nghiệp 100% vốn của PVN và các công ty liên doanh phải thực hiện theo quy định của Luật dầu khí và hợp đồng dầu khí nhằm bảo đảm tính đặc thù của hoạt động dầu khí cũng như tính đặc thù của các dịch vụ hàng hóa cho hoạt động của dầu khí; đảm bảo nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch.