Xung quanh câu chuyện trên, PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để có cái nhìn đa chiều hơn.
Theo đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng: “Thông tin trên mạng thì bao giờ cũng lan truyền rất nhanh và có ảnh hưởng đến số đông. Người dân có thể tiếp cận những thông tin trên các báo mạng chính thống, nhưng cũng có khi tiếp nhận qua các trang mang tính chất mạng xã hội, trang tin cá nhân.
Với các trang mạng xã hội hoặc trang tin cá nhân, người ta có thể đưa các thông tin vô tình nắm được, có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Do đó, khi tiếp cận các thông tin trên mạng người dân cần căn cứ vào các tờ báo điện tử chính thống, trang tin chính thức của các cơ quan, ban ngành, phát ngôn của người có thẩm quyền.
Khi thấy thông tin của ai đó đưa lên trang cá nhân thì không nên vội vàng tin vào, rồi suy đoán, phát tán khi chưa có kiểm chứng, chưa có cơ sở. Ngay cả vấn đề điểm thi THPT Quốc gia cũng vậy, chúng ta không nên chạy theo mạng xã hội, hãy để các cơ quan có thẩm quyền làm đúng quy định của pháp luật”.
Thông qua vụ việc sửa điểm thi ở Hà Giang, vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận, trong quy trình chấm thi THPT Quốc gia vẫn còn “lỗ hổng” nên mới để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy.
Vị Đại biểu Quốc hội phân tích: “Dù không có vấn đề gì bất thường xảy ra thì bộ GD&ĐT vẫn phải kiểm tra, giám sát việc chấm thi, hay còn gọi là hậu kiểm, để xem các địa phương, các sở GD&ĐT đã tổ chức thi cử như thế nào. Hơn nữa, ở đây rõ ràng là có vụ việc sai phạm nghiêm trọng xảy ra ở Hà Giang, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì công tác thanh tra, kiểm tra càng phải làm chặt chẽ hơn. Nếu thời gian và nguồn nhân lực không cho phép thì cần tập trung trước vào những điểm nào mà đã có dư luận hoặc đã có những biểu hiện bất thường”.
Ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh: “Bộ GD&ĐT cần rút kinh nghiệm về quy trình tổ chức thi. Nếu vẫn tiếp tục triển khai theo phương thức thi 2 trong 1 thì hướng dẫn của Bộ phải kỹ lưỡng hơn, quy trình phải chặt chẽ hơn. Làm sao mỗi khâu chỉ có 1 người hoặc 1 bộ phận có trách nhiệm làm việc đó thì sẽ giảm thiểu tác động về mặt chủ quan và khi xảy ra vấn đề gì thì có thể quy trách nhiệm ngay.
Qua vụ Hà Giang mà tôi được biết thông qua báo chí thì có thể thấy quy trình chấm thi chưa chặt chẽ, cho nên 1 người có thể tác động vào rất nhiều khâu, từ quyét dữ liệu vào đĩa gốc, rồi đến sửa điểm, lưu lại giữ liệu và công bố điểm cũng chỉ có 1 người. Rõ ràng quy trình có “lỗ hổng”. Bộ GD&ĐT cần nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Đưa thông tin thất thiệt lên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP.Hà Nội) phân tích: “Sự việc sửa điểm thi ở Hà Giang xảy ra rất đáng tiếc và là vi phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia. Qua đây, người dân có quyền nghi ngờ kết quả thi của các tỉnh nếu có điểm thi bất thường và phản ánh dấu hiệu đó.
Tuy nhiên, khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng thì không được quy chụp cho bất kỳ ai, tổ chức, cá nhân nào.
Người nào lợi dụng vụ Hà Giang để đưa thông tin thất thiệt lên mạng xã hội, thông tin bịa đặt, không đúng sự thật nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức hoặc “câu like”, vụ lợi và mục đích khác thì sẽ bị xử lý.
Tùy theo tính chất mức độ thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, người dân nên thận trọng khi đưa thông tin lên mạng xã hội. Có thể phản ánh hiện tượng khi có căn cứ nhưng không được lợi dụng vụ sửa điểm ở Hà Giang để đưa thông tin làm “nhiễu” vấn đề điểm thi THPT Quốc gia, gây hoang mang dư luận”.