Chiều ngày 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Trong đó, về tổ chức cho phạm nhân lao động (Điều 33), đa số ý kiến tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.
Trước ý kiến này, UBTVQH nhận thấy: “Chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội…” (Điểm e khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự).
"Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam. Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả…”, bà Lê Thị Nga nêu trong báo cáo.
Nghe Audio: ĐBQH Bùi Sĩ lợi nói về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam
Trước những ý kiến này, bên lề kỳ họp 7, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã trao đổi với ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Thưa đại biểu, việc đưa phạm nhân ra ngoài trại giam lao động có thuận lợi, khó khăn thế nào? Việc này, chúng ta đã có cơ chế gì để giám sát?
Thực hiện chính sách đưa phạm nhân ra lao động hoặc tìm một khu vực để phạm nhân lao động trong thời gian thụ hình của mình. Ở đây, chúng ta phải cân nhắc hai vấn đề: Một là, điều kiện của trại tạm giam, tạm giữ, mà qua khảo sát của chúng tôi, thì có nơi có điều kiện, nhưng có nơi lại không đủ điều kiện. Ví dụ, ở những vùng độc lập, cách ly hẳn với cộng đồng dân cư, thì đó là một điều thuận lợi, có một quỹ đất sản xuất rộng, đó cũng là thuận lợi để giúp cho phạm nhân có kỹ năng tốt hơn khi tái hoà nhập cộng đồng.
Tôi đã đi nhiều nhà giam, thấy phạm nhân sản xuất rất tốt, thậm chí sản xuất rau sạch, sản xuất ra những của cải vật chất để đáp ứng và nâng cao được chất lượng cuộc sống của phạm nhân. Đó là điều chúng ta hoan nghênh.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề mà tôi lo ngại về tính phổ biến của nó. Ở đây, chúng tôi quan tâm đến tính phổ biến của nó. Nếu chúng ta áp dụng như vậy ở tất cả các trại thì rõ ràng là phải cân nhắc. Bây giờ phải chia ra những loại trại tính đến chuyện quy hoạch chung. Trại giam phải đủ quỹ đất, đảm bảo xa khu dân cư… Bởi vì, có sự tác động giữa cộng đồng dân cư với phạm nhân, mà yếu tố của phạm nhân là chúng ta cách ly họ ra khỏi xã hội, để họ trong một điều kiện lao động, học tập tốt hơn để họ nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình để họ trở thành con người tốt hơn.
Nhưng, cho phạm nhân ra gần khu dân cư sinh sống thì sẽ ảnh hưởng, chưa kể điều kiện quản lý sẽ cực kỳ khó. Cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp với từng trại giam, từng địa phương, từng vùng.
Vậy theo ông, quá trình để đưa phạm ra ngoài lao động có cần một lộ trình cụ thể không, hay có thể áp dụng luôn trong thời điểm hiện tại?
Trong tội phạm thì có quy định: Tù có thời hạn, trong tù có thời hạn cũng có nhiều, bình thường, trọng án,… đây là một vấn đề cần phải suy nghĩ và phân định. Loại nào được ra ngoài sản xuất và loại nào không được ra ngoài sản xuất. Ví dụ như tội phạm buôn bán ma túy,… tù chung thân, mà đưa ra lao động sản xuất như vậy thì vô hình chung là rất khó.
Hay những tội phạm kinh tế, tù chung thân, tù dài hạn, thì chúng ta phải có một tính toán khu vực sản xuất, khu vực sản xuất đó phải được gìn giữ, phải được quy hoạch bảo vệ chặt chẽ, bảo đảm cho phạm nhân không có điều kiện, để họ nâng dần kỹ năng sống trong những ngày chấp hành án phạt tù, giúp cho họ cải tạo tốt hơn, trở thành những người công dân tốt cho xã hội khi tái hòa nhập cộng đồng.
Có một số đối tượng cũng phải phân loại, loại nào được áp dụng, loại nào không được áp dụng, và vùng nào được áp dụng. Như vùng nào có nhiều đất sản xuất trong trại giam thì phải khuyến khích, nhưng nếu cho ra ngoài làm cùng với dân thì đây là điều chúng ta phải suy nghĩ.
Ví dụ, trùm buôn bán ma túy mà cho ra ngoài sản xuất gặp gỡ người dân thì chúng ta đâu có đủ người, đủ biên chế để kiểm soát, đó là một mối hiểm họa, mà không giúp cho họ trở thành một người tốt được.
Phải hiểu rằng, quyền con người, quyền công dân phải bảo đảm, nhưng họ là những người thuộc đối tượng điều chỉnh, đang thụ hình, đang chấp hành bản án có hiệu lực của toà án nhân dân, sự phán xét của một cơ quan nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để bình thường như các công dân khác là điều không thể chấp nhận được.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc đưa phạm nhân ra ngoài cải tạo dẫn đến việc phạm nhân dễ bỏ trốn, ông nghĩ sao?
Pháp luật là những quy tắc xử sự chung, mà mọi người phải chấp hành, chứ không rơi vào một trường hợp bất kỳ nào hết. Người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì toà án nhân dân có thẩm quyền đã tuyên một bản án mà họ phải chấp hành.
Đó là hình phạt họ phải chịu đối với cộng đồng, xã hội, còn việc đưa phạm nhân ra ngoài trại giam để lao động là điều kiện giúp họ cải tạo tốt hơn, phấn đấu tốt hơn, trở thành con người tốt, để tái hòa nhập với cộng đồng, chứ không phải mình ở tù rồi là bỏ, không phải như thế.
Việc đưa ra ngoài lao động nhằm giúp cho phạm nhân kỹ năng sống tốt hơn. Để họ phục thiện tốt hơn, họ trở thành một con người tốt để tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, không làm việc, ngồi một chỗ, con người ta sao trở thành một con người tốt được? Trong tương lai, họ hết tù, họ trở thành một công dân của đất nước, những lỗi lầm họ đã làm, họ chuộc trong thời gian ở tù và cố gắng trở thành người tốt. Nên tôi cho rằng đây là tính nhân văn.
Xin cảm ơn ông!
Cảnh báo việc quản lý tù nhân
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Cơ bản tôi đồng tình các điều khoản tại dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Tuy nhiên, các ĐBQH đang băn khoăn ở quy định các trại giam khi có đủ điều kiện thì lựa chọn những tù nhân có phẩm chất rèn luyện tốt có thể tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp ngoài khu tập trung của trại giam.
Điều này, có một việc rất tốt đó là rèn luyện tay nghề, nâng cao kỹ năng để khi phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng thì có thể tiếp cận được vấn đề sản xuất kinh doanh, đáp ứng cuộc sống khi hoàn thành cải tạo và trung tâm đó không có điều kiện để cho phạm nhân lao động sản xuất. Vì thế, xét về lý thì điều này vừa tạo cơ hội cho các trại giam, tạo cơ hội cho phạm nhân rèn luyện, nâng cao kỹ năng tay nghề, đào tạo nghề ngoài ra còn có thêm thu nhập bằng những sản phẩm mình làm ra.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về lợi nhuận của doanh nghiệp và một bên sản xuất của người lao động là phạm nhân. Nên, tôi đồng ý với ý kiến của Chính Phủ nhưng phải có các quy định rất chặt chẽ, một là quản lý, hai là làm sao tránh được tình trạng khi phạm nhân ra khỏi trại giam mà lao động ở các doanh nghiệp ngoài trại giam có thể sẽ bỏ trốn, đây là điều cần hết sức lưu ý.
Thêm nữa, cần phải bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đã tham gia lao động thì phải được hưởng tiền lương, có thu nhập. Nếu những người tù nhân trước đây tham gia BHXH thì nay có thể cho tham gia BHXH.
Có một điểm các đại biểu băn khoăn là trong kỳ họp này chúng ta sẽ thông qua phê chuẩn công ước 98, đây là công ước đảm bảo tổ chức quyền lợi cho người lao động.
Tuy nhiên, tôi vẫn cảnh báo câu chuyện là quản lý tù nhân làm sao cho tốt, thêm nữa giải thích tuyên truyền, thực hiện chính sách cho tù giam thật đảm bảo nguyên tắc chống cho được lao động cưỡng bức”.