Hạn chế, giảm tỉ lệ người nghiện
Chiều 8/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Phát biểu ý kiến ĐBQH Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đoàn ĐBQH Bình Dương bày tỏ đồng tình thống nhất cao về báo cáo của các cơ quan tư pháp, báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng và thi hành án, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng trong bối cảnh năm 2022 đầy khó khăn nhưng các cơ quan đã có một năm thành công trong thực thi nhiệm vụ.
Qua theo dõi cho thấy các cơ quan đã trách nhiệm, chủ động, áp dụng nhiều biện pháp đổi mới, trăn trở trước tình hình, nên sự phối hợp làm tốt nhiệm vụ được giao, kể cả những nhiệm vụ mới được giao như chính quy công an xã, tăng thẩm quyển cho công an xã, tăng thẩm quyền kiểm sát hay tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chỉ rõ, qua báo cáo của các cơ quan cho thấy các chỉ tiêu mà Quốc hội giao thì hầu hết là đạt và vượt kế hoạch, theo đại biểu Trần Công Phàn, đây là nỗ lực lớn, cố gắng lớn của các cơ quan trong bối cảnh áp lực công việc, tình hình tội phạm vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Do đó, kết quả đạt được là rất đáng trân trọng.
Cho ý kiến về công tác về đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm ma túy, đại biểu Trần Công Phàn bày tỏ băn khoăn số lượng lớn các đối tượng nghiện ma túy dù ở trong cơ sở cai nghiện hay ở ngoài xã hội mà quản lý không chặt thì đây có thể là nguồn tội phạm, nguồn của vi phạm.
“Trong thực tế thấy, vi phạm rồi tội phạm do những người nghiện ma túy gây ra hậu quả rất khôn lường, kể cả thiệt hại về người, phạm trù đạo đức trong xã hội cũng có thể xuống cấp”, đại biểu cho biết và đề nghị rà soát và quản lý chặt nhóm đối tượng này. Sau đó, tính toán đến hiệu quả của công tác cai nghiện.
Cũng theo đại biểu Trần Công Phàn điều quan trọng là hạn chế nghiện, giảm tỉ lệ người nghiện, quản lý chặt cửa khẩu, quản lý biên giới.
Liên quan đến phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Công Phàn cho biết thời gian qua người dân phấn khởi về kết quả của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo đại biểu, đây mới thể hiện ở khâu chống tham nhũng như đã đưa ra xử lý được nhiều vụ án lớn, kịp thời xét xử, đưa ra những đối tượng phạm tội ở những chức vụ cao.
Theo đại biểu Trần Công Phàn, các cơ quan tư pháp cần chú trọng công tác phòng ngừa để xác định tinh thần là “không thể và không dám, không muốn tham nhũng”.
Tăng cường triệt phá tội phạm ma túy
Cùng tham gia góp ý, ĐBQH Phạm Thị Hồng Diễm (đoàn Trà Vinh) đánh giá cao những kết quả đáng trân trọng của các Cơ quan tư pháp trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo đại biểu thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp, gây nhiều hậu quả nặng nề cho đời sống xã hội.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường các giải pháp phòng, chống ma túy, tập trung nguồn lực cho các địa phương thực hiện các hoạt động kiểm soát các tụ điểm ma tuý, thực hiện tuyên truyền tập trung cho thanh thiếu niên, đặc biệt trong môi trường học đường.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cũng đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan chức năng trong phòng chống vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
Đại biểu cho biết, cử tri đồng thuận với kết quả phòng, chống ma túy, nhưng cũng lo ngại khi tội phạm ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau đại dịch, nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép xuất hiện, công tác quản lý người nghiện còn bất cập, hạn chế.
Ngoài ra, cử tri cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng buôn người qua biên giới, gây nên nhiều vụ việc xôn xao dư luận thời gian qua.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các tỉnh, thành phố cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng, thực hiện hiệu quả chặt chẽ công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, để thực hiện hiệu quả hơn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu.