Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại mà bộ Công Thương mới trình lên Chính phủ hiện đang gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Vân, ĐBQH khóa XIV, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.
Thưa ông, Dự thảo Nghị định mới đây của bộ Công Thương, trong đó có đưa ra 20 lĩnh vực độc quyền của nhà nước. Ông có suy nghĩ gì về việc này?
Trong nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, các hoạt động kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng thì không có độc quyền. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường của chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nên vai trò của nhà nước can thiệp vào thị trường tuy cũng có nhưng chỉ là để bảo đảm các thành phần kinh tế phát triển đồng đều trên cơ sở tự do cạnh tranh lành mạnh.
Chúng ta đang khởi xướng phong trào khởi nghiệp Startup, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế phát triển một cách bình đẳng, trên tinh thần đó thì vai trò của nhà nước chỉ là điều tiết, các mặt hàng nhà nước hạn chế hoạt động kinh doanh sẽ là những mặt hàng thiết yếu có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Thực chất việc hạn chế lĩnh vực tư nhân có thể tham gia đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Rõ ràng, phải đánh giá xem xét, trong những năm qua, lĩnh vực nào nhà nước và tư nhân đều có thể tham gia sản xuất, kinh doanh được mà tư nhân có thể làm tốt hơn, người dân được hưởng lợi hơn thì nên xem xét xã hội hóa.
Những lĩnh vực như thủy lợi, đường giao thông, trừ những công trình trọng điểm mà nhà nước có vai trò điều tiết như hệ thống có tính chất liên tỉnh, quốc gia, thì cũng không nên giữ độc quyền. Có như thế mới giải phóng được nguồn lực xã hội.
Vì vậy, tôi cho rằng trong số 20 lĩnh vực độc quyền như kể trên thì còn có những lĩnh vực nên cân nhắc có nên tiếp tục giữ độc quyền nhà nước hay không.
Hiện, có ý kiến đang cho rằng, việc đưa ra 20 lĩnh vực độc quyền của nhà nước là đang cản trở sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, thậm chí vi phạm quyền tự do kinh doanh của người dân, ông nghĩ sao về điều này?
Luật có quy định những lĩnh vực mà nhà nước không cấm thì người dân có quyền được tham gia sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, 20 lĩnh vực như kể trên có thuộc danh mục nhà nước cấm hay không. Thứ nữa, với một danh mục như vậy thì thực sự có thể hiện được chính sách kiến tạo theo chủ trương của nhà nước hay không cũng là một vấn đề cần phải quan tâm. Kiến tạo phát triển là anh phải tạo ra một khuôn khổ pháp lý bình đẳng, phát triển cho mọi thành phần kinh tế cùng tham gia.
Trở lại với câu chuyện, theo tôi, cái nào thuộc danh mục an ninh quốc gia, chủ đạo của nền kinh tế, chi phối kinh doanh nhà nước thì hãy hạn chế. Cái nào có thể xã hội hóa thì nên trao quyền cho xã hội.
Vì vậy, trách nhiệm của bộ Công Thương là phải lắng nghe các ý kiến từ nhiều chiều, ý kiến nào thực sự phù hợp thì phải tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện tại, đặc biệt với nền kinh tế thị trường ngày càng hội nhập sâu và rộng tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng vừa lên tiếng rằng, 20 lĩnh vực này đã được quy định trong Luật thương mại 2005, dự thảo của Bộ này không mở rộng hơn, cũng không thu hẹp. Có nhiều câu hỏi đặt ra là sau 12 năm thì những quy định độc quyền như vậy đã trở nên lạc hậu, không phù hợp?
Trên bình diện pháp lý, những quy định nào ban hành trước đây, kể cả trên 12 năm mà chưa có quy định thay thế thì vẫn có hiệu lực. Vai trò của nhà nước là phải thường xuyên cập nhật đánh giá những quy định ấy vận hành phát triển như thế nào, cái nào còn phù hợp với xu thế phát triển mới thì tiếp tục để nó tồn tại, cái nào lạc hậu thì phải thay thế, bãi bỏ.
Đây cũng là dịp bộ Công Thương tổng kết, bình luận lại một loạt các quy định ban hành trước đây 12 năm, thậm chí cả những văn bản mới ban hành. Ý kiến của nhân dân, của các chuyên gia, cái nào còn phù hợp thì duy trì, cái nào cản trở thực sự thì phải thay thế nó. Đó là một nguyên tắc trong công tác lập pháp và lập quy.
Đây hiện mới chỉ là Dự thảo, để ban hành chính thức thì còn trải qua nhiều khâu tiếp thu ý kiến từ các nguồn lực xã hội khác nhau nữa nên chưa thể khẳng định vội đã "chốt" 20 lĩnh vực độc quyền nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Huệ