Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nêu vấn đề về giá sách giáo khoa (SGK).
Đại biểu Kim Thúy cho biết, trước đây, khi trao đổi về giá SGK, đại biểu đã nêu lên một thực tế là việc mua SGK trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh học sinh, nguyên nhân chính là do các đơn vị phát hành sách thông qua nhà trường bao giờ cũng bán kèm SGK với một số lượng sách tham khảo rất lớn.
"Tôi hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã tiếp thu ý kiến này, ban hành Chỉ thị số 643 ngày 10/6/2022: yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng gói chung SGK và sách tham khảo để buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Qua theo dõi, tôi thấy chỉ thị này về cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc.
Tại kỳ họp thứ Tư, trong phiên thảo luận ở hội trường vào chiều ngày 11/11/2022, tôi đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá SGK dưới hình thức khung giá, bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá.
Bộ trưởng, Trưởng Ban Soạn thảo Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến của tôi , nguyên văn như sau:
“Chúng tôi cho rằng ý kiến này rất hay, bây giờ trong tư duy, chúng ta luôn luôn nghĩ đến quy định thế nào để giá không cao, nhưng chúng ta lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp, khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng biện pháp, hay nói cách khác là dùng thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này”", đại biểu Kim Thúy nói.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, đại biểu cho hay: "Không thấy dự thảo phản ánh ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng, Trưởng Ban Soạn thảo cũng chẳng thấy giải trình (dù báo cáo số 480 của UBTVQH tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật này dài 112 trang).
Tôi tin rằng ý kiến tiếp thu của Bộ trưởng trước Quốc hội đã thể hiện cách đánh giá vấn đề rất toàn diện, thấu đáo và sát thực tế. Nếu luật không quy định khung giá tối đa - tối thiểu, thì rồi đây Quốc hội sẽ thấy những lo ngại của Bộ trưởng trở thành hiện thực.
Nhưng nguyên nhân nào đã ngăn cản dự thảo Luật thể hiện ý kiến đúng đắn đó của Bộ trưởng? Phải chăng ở đâu đó có quan điểm khác với Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, Nghị quyết có nêu “Đa dạng hoá tài liệu học tập” và điểm g, khoản 3, Điều 2 Nghị quyết 88 của Quốc hội (về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông) và điểm b, khoản 1, Điều 32 Luật Giáo dục đều quy định “thực hiện xã hội hoá việc biên soạn SGK?"", đại biểu Kim Thúy chia sẻ.
Theo đại biểu, chính Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 cũng thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn SGK cho “cơ sở giáo dục” mà cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. "Tôi cứ phân vân tự hỏi: Giữa quy định của Nghị quyết 88 và quy định của Luật Giáo dục, quy định nào dễ bị lợi dụng để phục vụ “lợi ích nhóm” hơn?", đại biểu đoàn Đà Nẵng nói.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội khóa này thấy chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88, chấm dứt việc thực hiện chủ trương này.
Còn trong trường hợp ngược lại, Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương; không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau: một đằng khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn SGK. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần giải trình, làm rõ những nội dung nêu trên.