Sau 10 năm thi hành luật Đặc xá, có một số quy định trong luật không còn phù hợp gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách này. Sáng nay (7/11), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự án luật Đặc xá (sửa đổi).
Lưu ý cụm từ “Sự kiện trọng đại của đất nước”
Bên hành lang Quốc hội, chia sẻ với PV ĐBQH Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết: “Về luật Đặc xá, hôm nay tôi cũng phát biểu ý kiến có quan tâm 3 vấn đề: Một là xác định sự kiện trọng đại của đất nước; Điều kiện đặc xá và cũng trong điều kiện đặc xá tôi quan tâm đến điểm d, khoản 1 của dự thảo luật, đối tượng được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của đất nước. Tuy nhiên, việc không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của đất nước để được đặc xá khi áp dụng trong thực tế không đảm bảo tính khả thi. Vì, có ảnh hưởng đến an ninh, trật tự hay không chỉ xảy ra khi đối tượng được đặc xá về hòa nhập với cộng đồng”.
Nhiều người lo ngại cụm từ “xác định sự kiện trọng đại của đất nước” sẽ bị lạm dụng để giảm án, đặc xá. Theo ĐBQH Cầm Thị Mẫn: “Điều này, nhiều ĐBQH cũng rất băn khoăn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến nói về sự kiện trọng đại của đất nước rất rộng, bao hàm cả chính trị, kinh tế, xã hội… Cho nên, nếu quy định trong luật không thể bao quát hết được. Theo quan điểm của tôi, tôi đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chí cụ thể về các sự kiện trọng đại của đất nước, trên cơ sở đó Chủ tịch nước ra quyết định đặc xá thế nào cho phù hợp”.
Lo ngại làm sao để quản lý được đối tượng sau khi được đặc xá không ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, ĐBQH Cầm Thị Mẫn cũng bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, đối tượng được đặc xá trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng thì trước hết cũng phải có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Trên cơ sở các đối tượng được đặc xá đã cam kết trước khi được đặc xá, địa phương, chính quyền địa phương có giao cho tổ chức chính trị xã hội, giám sát việc thực hiện lời hứa của đối tượng được đặc xá”.
Lựa chọn người được đặc xá cần minh bạch
Cũng bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) bày tỏ, đặc xá là một tập quán cần thiết, thể hiện tính nhân đạo và khích lệ những người hoàn lương. Đồng thời hạn chế tình trạng quá tải tại các trại giam.
“Chúng ta có nhiều cách giam giữ, giám sát chứ không chỉ có việc cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Vì thế, để tạo ra một môi trường tốt cho người được đặc xá hòa nhập chính là môi trường để họ cải tạo tốt nhất. Theo tôi, quá trình lựa chọn người được tha tù trước thời hạn, đặc xá cần minh bạch, ai là người giám sát quá trình này? Còn về giám sát người được đặc xá, trách nhiệm nặng nề thuộc về địa phương quản lý”, ĐBQH Dương Trung Quốc cho hay.
Về dự án luật Đặc xá (sửa đổi), ĐBQH Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) tỏ rõ một số băn khoăn: “Theo tôi, cần làm rõ một số khái niệm như: Đại xá, ân xá, đặc xá, tha tù trước thời hạn. Đặc xá và tha tù trước thời hạn có điểm giống nhau và khác nhau. Giống nhau là đều tha tù trước thời hạn. Nhưng, tha tù trước thời hạn quy định, nếu người được tha tù vi phạm pháp luật thì sẽ bị bắt trở lại và tiếp tục thực hiện bản án. Còn đặc xá sẽ coi như là công dân bình thường, nếu vi phạm vụ án khác thì lại điều tra, truy tố, xét xử từ đầu”.
Cũng theo ĐBQH Cao Đình Thưởng, hiện nay vào dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước có đặc xá: “Đặc xá là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho những người ăn năn hối cải hưởng lượng khoan hồng. Tuy nhiên, trong luật không nói rõ đặc xá 1 năm bao nhiêu lần, vào dịp trọng đại nào? Vì thế, quá trình theo dõi, cải tạo phạm nhân, đặc biệt là nhận xét, đánh giá phải theo quy trình chặt chẽ, chính xác và công bằng. Có trường hợp cố tạo ra "vỏ bọc" để được đặc xá hoặc tha tù trước thời hạn, sau đó lại phạm tội tiếp là rất nguy hiểm. Việc minh bạch trong quá trình theo dõi, xét đặc xá, tha tù trước thời hạn cũng là trách nhiệm của các cơ quan công an, cơ quan thực thi pháp luật”.