Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa có các buổi đi giám sát tại một số địa bàn nội thành và ngoại thành Hà Nội về vấn đề dân cư sau 5 năm thực hiện luật Thủ đô. Các đại biểu cho rằng, luật Thủ đô gần như bị “vô hiệu” do các chung cư phát triển ồ ạt trên đất nhà máy di dời, khiến chủ trương dãn dân nội đô gặp khó khăn.
Nhìn nhận về vấn đề trên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Luật Thủ đô đã có hiệu lực 4 năm rưỡi, các cơ quan chủ yếu là TP.Hà Nội, bộ ngành Trung ương cũng đã tổ chức triển khai và đã có những văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiên luật Thủ đô. Tuy nhiên, có một số vấn đề đến nay mặc dù cũng đã được coi trọng triển khai nhưng vẫn còn một số bất cập từ thực tế.
Trong 2 nội dung giám sát vừa qua, có việc quản lý dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mặc dù đã có quy định, điều kiện rất chặt chẽ khi cho đăng ký thường trú trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là các quận nội thành việc phát sinh những trường hợp thường trú thì rất ít. Tuy nhiên, việc lưu trú, tạm trú lại tăng cơ học rất đáng kể. Điều đó khiến chủ trương dãn dân nội đô gặp khó khăn”.
Đại biểu Hòa nói thêm: “Trong luật Thủ đô chỉ quy định chặt chẽ việc cho đăng ký thường trú. Nhưng tạm trú thì vẫn thực hiện theo quy định chung hiện hành. Cho nên những người nhập cư từ ngoại thành và những người ở ngoại tỉnh vào nội thành Hà Nội vẫn tăng rất lớn.
Mặt khác, theo như đánh giá thì việc cho xây dựng nhà cao tầng rất nhiều ở nội ô Hà Nội là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân sinh sống ở nội ô tăng lên đáng kể. Anh xây chung cư thì phải có người mua và đến ở. Có thể họ chưa được đăng ký thường trú thì họ sẽ đăng ký tạm trú, ngày này qua ngày kia, năm này qua năm nọ. Họ vẫn sinh hoạt bình thường. Chính vì thế, số dân trong nội đô cứ tăng lên, không giảm. Việc này cần phải có sự bàn bạc, kiểm soát chặt chẽ, có định hướng sau này để dãn dân ra khu vực ngoại ô Hà Nội.
Việc quy hoạch chuyển các nhà cao tầng, bệnh viện, trường học đã có nhưng thực hiện hết sức chậm trễ. Một số ý kiến cho rằng luật Thủ đô thực hiện kém hiệu quả là như thế.
Hơn nữa, qua đợt giám sát vừa qua, tôi thấy, ở TP.Hồ Chí Minh thì do triều cường dâng nên ngập úng. Còn ở Hà Nội thì đâu có phải do triều cường, vậy mà mỗi lần mưa lớn là lại ngập úng. Những vùng ven đô của Hà Nội đáng ra phải là nơi tiêu nước, thoát nước nhưng những nơi đó bây giờ thành chung cư cao tầng hết rồi”.