ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói về tham nhũng quyền lực

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói về tham nhũng quyền lực

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 3, 06/03/2018 09:00

Đề cập đến vấn đề chống tham nhũng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Phải cắt mối liên hệ để cho tham nhũng không có địa điểm dừng chân nữa, tức là giống như cắt bầu sữa, dinh dưỡng nuôi nó”. Ông cũng là người không đồng tình mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước.

PV: Ông có suy nghĩ như thế nào vào việc, sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần này sẽ hạn chế được những trường hợp tham nhũng quyền lực ở nhiều địa phương mà báo chí và dư luận đã phản ánh?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Hiện nay, tham nhũng quyền lực là một vấn đề rất nghiêm trọng. Vi phạm này không chỉ tập trung ở một địa phương, vùng miền nào.

Nhiều người tham nhũng quyền lực để thu lợi và kiếm chác

Người tham nhũng quyền lực là người tư hữu hóa quyền lực của Nhà nước trao cho họ. Từ quyền lực này thu được lợi nên nếu không có quyền thì họ không kiếm chác được. Vì thế, tham nhũng quyền lực là vấn đề mang tính phổ biến trên thế giới và hiện nay đang là vấn đề rất bức xúc ở Việt Nam.

Chúng ta mới đặt ra một vấn đề ở trong luật PCTN, đó là tham nhũng tài sản. Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, các tội về tham nhũng cũng cơ bản nói về vấn đề tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, chiếm đoạt tài sản… Tôi nghĩ như thế là chưa đầy đủ. Bởi nguồn gốc có được tài sản ấy là phải từ quyền lực. Cho nên, gốc rễ của vấn đề là chúng ta phải làm sao xử lý đúng tính chất, mức độ đối với tham nhũng quyền lực.

Đảng và Nhà nước đã, đang tập trung xử lý vấn đề tham nhũng quyền lực. Những năm vừa qua, báo chí nêu rất nhiều vụ việc, ví dụ như Trần Vũ Quỳnh Anh, Lê Phước Hoài Bảo, gần đây nữa là cả trong Hậu Giang. Chúng ta có thể thấy tất cả các giải thích về mặt quy trình là hoàn toàn không đúng.

Tôi cũng là một trong những người đầu tiên khẳng định, quy trình cán bộ không có lỗi mà chỉ có cán bộ làm công việc đó có lỗi.

Cán bộ bao gồm, cán bộ lãnh đạo, cán bộ tham mưu, những người làm công tác quy hoạch, những người làm quy trình về bổ nhiệm, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quyền lực đó bao che nhau, bợ đỡ nhau, thậm chí đổi chác bằng những quyền lợi, lợi ích khác nhau theo kiểu “ông mất cẳng giò, bà thò chai rượu”.

 

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói về tham nhũng quyền lực

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng 

PV: Là ĐBQH luôn có những chất vấn thẳng thắn, những ý kiến sắc sảo đóng góp vào công tác lập pháp, ông còn băn khoăn những điều gì ở dự thảo luật PCTN sửa đổi lần này?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng:

Với dự thảo luật PCTN sửa đổi, bản thân tôi cũng như nhiều ĐBQH chưa đồng tình là vì một số lý do: Thứ nhất, nó chưa thể hiện được hết những khía cạnh của tham nhũng;

Thứ hai, khi chúng ta làm chưa  thật sự hiệu quả trong phạm vi của Nhà nước thì lại có ý định mở ra ngoài phạm vi của Nhà nước thì “bàn tay không thể che được cả mặt trời”.

Tôi cho rằng, chúng ta hãy làm ở những khu vực quan trọng nhất đã, bởi vì nói đến tham nhũng là phải nói đến khu vực Nhà nước. Câu chuyện tham nhũng quyền lực, hay tham nhũng tài sản ở trong khu vực Nhà nước phải làm đầu tiên. Theo tôi, mở rộng sẽ làm cho công tác PCTN không có hiệu quả.

Thứ ba, vấn đề khuyến khích những người tham gia tố cáo tham nhũng thì chúng ta phải có cơ chế nào để người dân, báo chí, các tổ chức xã hội tham gia một cách tích cực, không e ngại những câu chuyện bất lợi, bảo vệ cho họ để họ an tâm.

Như vậy phải phối hợp, liên kết luật PCTN với luật Tố cáo thì lúc đó mới tạo ra được hiệu quả, tạo công lực cao cho công tác PCTN.

PV: Nhiều người đánh giá việc mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước là điểm mới trong dự thảo luật PCTN sửa đổi, nhưng theo ý kiến của ông là chưa nên. Ông có thể nói rõ lý do vì sao ông lại quan điểm như vậy?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nghĩ như thế là loãng. Tham nhũng trong khu vực Nhà nước là rút từ ngân sách Nhà nước, lấy tài sản của Nhà nước, sử dụng quyền lực của Nhà nước.

Dường như đang có suy nghĩ rằng, quan chức Nhà nước sử dụng quyền lực của mình để cấu kết, làm doanh nghiệp sân sau, nên mở rộng phạm vi ra bên ngoài khu vực Nhà nước.

Nhưng tôi lại nghĩ không phải như vậy. Nếu đã là sân sau, dùng quyền lực để có sân sau thì đấy vẫn là tham nhũng trong phạm vi Nhà nước, chứ không phải ngoài Nhà nước. Giả sử một người tham nhũng tiền bạc sau đó lại lập công ty cho vợ con thì đấy vẫn là trong khu vực Nhà nước. Công ty đó chẳng qua là nơi đặt điểm đến, là kho chứa, là thùng, bể để rửa tiền của quan chức, đó không phải là khu vực ngoài Nhà nước.

PCTN trong phạm vi Nhà nước, thì bắt rễ đến doanh nghiệp nào, con đường của nó đưa tài sản đến doanh nghiệp nào, quyền lực của nó thao túng đến đâu chúng ta phải cắt bầu sữa đến đấy. Tôi hoàn toàn thống nhất, cắt mối liên hệ để cho tham nhũng không có địa điểm dừng chân nữa, tức là giống như cắt bầu sữa, dinh dưỡng nuôi nó.

Nhưng đâu phải cứ dùng một con dao là luật PCTN, mà có nhiều luật khác. Tôi cho rằng, tham nhũng chỉ tập trung việc sử dụng quyền lực Nhà nước để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Ngày 5/3, ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ tám, cho ý kiến về dự thảo luật PCTN sửa đổi. Trong buổi họp này, báo Tiền phong đưa tin, có ý kiến đề xuất truy thu thuế với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, qua tìm hiểu nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý được thực hiện từ các phương thức chính, bao gồm: Xử lý thông qua bản án hình sự của tòa án, thông qua trình tự tố tụng dân sự, thông qua xử phạt hành chính (tịch thu tài sản, thu nhập) hoặc công cụ về thuế (truy thu thuế thu nhập cá nhân).

Từ đó, Chính phủ đề xuất phương án xử lý thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý và coi đây như là khoản thu nhập vãng lai phát sinh mà người kê khai hoặc vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai phải nộp theo quy định.

“Áp dụng tương tự pháp luật về thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì mức thuế suất áp dụng để truy thu thuế có thể ở mức 45% giá trị tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý tại thời điểm xác minh”, ông Khái cho hay.

Về nội dung này, ủy ban Tư pháp đề nghị cần phải nghiên cứu thật kỹ về chính sách thuế cho phù hợp, đặc biệt cần phải xem xem có bị “thuế chồng thuế” không.

D.Thu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.