Nhiều người thắc mắc rằng, mỗi năm 2 kỳ họp Quốc hội (QH), mỗi kỳ họp kéo dài khoảng 1 tháng, sau đó các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sẽ làm gì?
Để hiểu hơn về hoạt động của một ĐBQH mang trên vai niềm tin và sự kỳ vọng của hàng triệu cử tri, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện thân tình với ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội – người được biết đến bởi sự thẳng thắn, những chất vấn gai góc, nảy lửa. Chính sự thẳng thắn, nảy lửa ấy mà ông còn được cử tri, nhân dân tin yêu ví như một “ngôi sao nghị trường”.
PV: Thưa ĐBQH Lê Thanh Vân, trong thời gian QH không họp, ông sử dụng quyền ĐBQH chuyên trách như thế nào? Những kênh ông nắm bắt thông tin từ cử tri ra sao?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Là một ĐBQH chuyên trách, ngoài thời gian kỳ họp QH, tôi phải làm việc cùng Thường trực ủy ban Tài chính - Ngân sách, nơi mình là thành viên và công việc của Ủy ban thì rất nhiều, đồng thời còn tham gia các đoàn công tác của QH, UBTVQH. Nhưng, với trách nhiệm là ĐBQH, tôi còn phải thường xuyên tiếp xúc cử tri nơi bầu ra mình, tham gia giám sát, khảo sát, tiếp dân… theo kế hoạch của đoàn ĐBQH. Tôi cũng phải đọc đơn, thư mà cử tri gửi đến, rồi chuyển cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và đôn đốc họ giải quyết để trả lời ý kiến cử tri.
QH làm việc có tính tập thể, mà ở đó mỗi ĐBQH chỉ có tiếng nói và việc làm theo quy định của pháp luật. Tôi đã gắng hết sức để không phụ lòng bao lá phiếu bầu cho mình. Trong muôn vàn đơn, thư mà tôi nhận được, chỉ một vài lá đơn được giải quyết, nhưng cũng chưa thể rốt ráo.
Kênh thông tin chủ yếu của tôi ư? Ngoài những thông tin chính thống được cung cấp, tôi thường đọc sách, báo; xem tivi, nghe đài; nghe dân nói ở các cuộc tiếp xúc cử tri, nghe dân nói ở vỉa hè, quán nước, ở trên những phương tiện giao thông, ở các cuộc gặp gỡ bạn bè… nói chung là đủ tất cả thể loại. Thông tin vô cùng phong phú, nhưng điều quan trọng là phải biết nhận diện đúng, sai từ những thông tin ấy. Thông tin nào có đủ cơ sở tin cậy, thì tôi sử dụng vào công việc của mình.
Tôi chưa bao giờ hài lòng trong hoạt động giám sát của bản thân, vì quyền năng có hạn, mà mong muốn thì nhiều.
PV: Trong việc phát biểu và chất vấn, ông có gặp trở ngại, sức ép gì không? Làm ĐBQH, nếu hết mình sẽ chẳng dễ dàng, vậy ông đã vượt qua những khó khăn như thế nào?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Ai sinh ra trên đời này cũng có cái đầu để nghĩ, cái tai để nghe, cái mắt để nhìn và cái miệng để nói. Chỉ có điều, không phải ai, khi nhìn thấy, nghe thấy, nghĩ thấy điều sai, nhưng không dám mở miệng mà thôi! Ấy là do bản lĩnh thấp hèn của họ, hoặc là do giữ ghế, sự an toàn cho bản thân và gia đình mà họ phải im lặng. Làm người, mà thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không lên án, thì cuộc sống ấy khác nào tồn tại.
Là một ĐBQH thì lại càng không nên bịt mắt, che tai để im miệng được. Nhưng, thời nay, thì đức tính thẳng thắn có khi lại là một tai họa đối với người trung liêm. Với tôi, nói ra lời ngay để mô tả đúng thực trạng là điều cần thiết. Một ĐBQH mà không dám nói lên tiếng nói của Dân thì hổ thẹn lắm!
Nếu ai đó coi những phát ngôn thẳng thắn, hay chất vấn gai góc của tôi có thể gặp trở ngại, hay sức ép nào đó cũng là chuyện bình thường. Có câu “thẳng thắn, thật thà thì thua thiệt” mà!
Tôi ghét cay, ghét đắng thói xu nịnh, giả dối. Quỳ lạy, van lơn, nịnh bợ hay bỏ tiền ra, để kiếm lấy một chỗ ngồi cho oai không phải là phẩm hạnh của người đường hoàng. Có nhiều kẻ có “chức” mà chẳng có “danh” là vì thế!
Tôi rất thích hai câu của Đức Phật Trần Nhân Tông trong một bài kệ, có tên là “Sơn phòng mạn hứng kỳ nhị”. Trong bài kệ ấy, Phật Hoàng đã viết: “Thị phi niệm trục triêu hoa lạc/ Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn”, có nghĩa là “Thị phi hai tiếng tan theo gió/ Danh lợi lòng đà lạnh với mưa”. Có lẽ, chỉ đạt được cảnh giới của kẻ tu hành, mới ngộ ra điều đó thôi chăng!
PV: Xin hỏi chút riêng tư: Nghe nói dù ông đã đạt số phiếu quá bán khi bầu vào Ban Thường vụ tỉnh ủy Hải Dương trong nhiệm kỳ này, nhưng lại không trúng cử. Ông có phiền muộn về điều ấy không? Cuộc sống riêng của ông hiện nay ra sao?
Đúng là khi bầu vào Ban Thường vụ tỉnh ủy Hải Dương, tôi đã đạt số phiếu quá bán (52,7%), nhưng không được công nhận, vì người ta tính tôi vào cơ cấu của địa phương, mặc dù tôi là cán bộ do Trung ương luân chuyển về. Cũng có nhiều người thắc mắc tại sao lại không công nhận kết quả ấy, vì trong Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị không tính những người như tôi vào số lượng cứng của cấp ủy địa phương.
Nhưng, đối với tôi, kết quả đó là vô cùng quan trọng, vì tôi là người từ nơi khác đến và thực trạng của Hải Dương thì cả nước đều biết rồi! Sau khi không trúng Ban Thường vụ, theo phân công của Đoàn Chủ tịch, tôi vẫn điều hành Đại hội một cách bình thường, với một tâm thế nhẹ nhõm, mà không đột quỵ tại chỗ như những trường hợp trước đó. Từ lâu, tôi luôn xác định rất rõ một điều như là nền tảng tinh thần, đó là tổ chức phân công gì thì mình vui vẻ đảm nhiệm thôi, không từ nan. Bản ngã của con người đâu phải vì hư danh, hay những thứ phù du, không có thực.
Tôi nghĩ, hầu hết những người tử tế ở Hải Dương đều biết tôi đã làm gì trong thời gian công tác ở đó. Giữa trời đất và quỷ thần, tôi có quyền nói rằng, mình đã “dĩ công vi thượng”, tuyệt đối không có vi phạm nào, chỉ hết lòng, hết sức bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và không hổ thẹn trước nhân dân Hải Dương về những gì mình đã cống hiến.
Nói về cuộc sống riêng, tôi thấy mình là người thành công ở gia đình, khi giữ được gia phong, trật tự theo đạo đức truyền thống. Khoe chuyện ấy là điều chẳng nên chút nào, nhưng nói về vợ con và gia đình, tôi rất hài lòng và yên tâm. Chỉ có điều, tôi rất lo cho con tôi khi vào đời với những suy nghĩ vô cùng trong sáng của tuổi trẻ trước những cạm bẫy của cuộc đời này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông và chúc ông luôn vững vàng, đanh thép như những gì ông đã thể hiện trong nghiệp nghị sĩ của mình!