Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái), hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo dự thảo luận bao gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ, tuy nhiên, không bao gồm giá điện.
Trong dự thảo Luật hiện nay, giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá.
Đại biểu cho rằng nên bổ sung giá điện vào Phụ lục số 1 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
“Thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng”, ông Luận nói.
Từ đó, vị đại biểu đề nghị cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì hợp lý hơn.
Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định hiện nay Nhà nước định giá điện nhưng cũng còn "bao cấp". Vấn đề đặt ra là tại sao không đưa mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá?
"Hiện nay 100% người dân đều sử dụng điện vậy tại sao không bình ổn giá. Việc đưa điện vào diện bình ổn giá tôi tin rằng người dân rất hoan nghênh", ông Hòa nói.
Cùng tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn Tp.HCM) cho biết, dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu.
Tuy nhiên, đối với một trong các ý kiến đại biểu đã phát biểu tại phiên họp trước về việc điều tiết giá của Nhà nước, cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất là xác đáng, nhưng không thể tiếp thu vì lý do ngân sách nhà nước còn khó khăn.
Đại biểu cho rằng, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá, để việc Nhà nước điều tiết giá là phù hợp với quan hệ, quy luật cung cầu hàng hóa dịch vụ, và khả thi, không gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người dân.
Giá thị trường hàng hóa dịch vụ được hình thành trên cơ sở cân bằng cung cầu hàng hóa dịch vụ trong điều kiện cạnh tranh sẽ đem lại hài hòa các lợi ích của đất nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp, chính phủ, tạo điều kiện phát triển mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước.
Tuy nhiên, Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa quy định nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước, gây nhiều vướng mắc, bất cập trong việc điều tiết giá, đặc biệt là giá điện.
Nhắc lại quan điểm Nhà nước điều tiết giá điện ở Việt Nam là mệnh lệnh hành chính chứ “Nhà nước không chi một đồng nào”.
Thực tế này dẫn tới việc EVN kinh doanh thua lỗ dù đã tăng giá điện 3%, với tổng lỗ 3 năm dự kiến hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 49% vốn điều lệ của tập đoàn này.
Cũng theo ông Nhân, hiện nay EVN đang nợ tiền mua điện gần 20.000 tỷ đồng đến hạn nhưng không có tiền để trả. Việc này đe dọa tài chính của doanh nghiệp, không có tiền duy tu máy móc, năng lực sản xuất giảm cũng như khó vay các ngân hàng để có tiền trả nợ khách hàng, đầu tư mới.
“Năm 2024 nếu giá điện không tăng khoản lỗ sẽ lên tới 112.000 - 114.000 tỷ đồng, tức chiếm 54-70% vốn chủ sở hữu của EVN, còn nếu giá điện tăng 3% thì lỗ 94.000 - 126.000 tỷ đồng. Với tình hình lỗ như vậy, mất 46-60% vốn chủ sở hữu, EVN không thể thành tập đoàn mạnh, phát triển bền vững như Chính phủ yêu cầu”, ông Nhân chỉ ra.
Theo đó, vị đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo luật, cụ thể, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá, để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - doanh nghiệp nhà nước quan trọng bậc nhất phải phát triển bền vững, trở thành doanh nghiệp nòng cốt thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Giải trình, tiếp thu các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc không đưa giá điện vào diện bình ổn là do Nhà nước đã định giá. Việc định giá này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng hơn, đảm bảo nguồn lực trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
"Doanh nghiệp sản xuất điện chủ yếu là EVN - tập đoàn Nhà nước chiếm trên 50%, nên nếu đưa vào diện bình ổn giá phải sửa Luật Ngân sách, nên Chính phủ xin không tiếp thu ý kiến này", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.