Những sai lầm đã phải trả giá
Thảo luận tại hội trường sáng 1/6, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng đã đến lúc phải “trở lại bình thường cũ” để hướng tới 2 mục tiêu.
Cụ thể, là phục vụ cho lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid và để tránh quá tải cho hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức để điều trị các bệnh lý thông thường và bệnh lý Covid-19.
Ông Hiếu nhận định, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành y tế. Hệ thống y tế đã trải qua những giây phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội nghi nhận bằng nhiều hình thức, những sai lầm đã phải trả giá.
Vấn đề đặt ra là sau “cơn bão” lớn việc phục hồi tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội như thế nào? Không thể vì một số vi phạm xảy ra mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt, việc mua sắm thiết bị vật tư y tế, thuốc men… không được cải thiện, thậm chí tệ hơn bao giờ hết.
“Nếu các vị ĐBQH có điều kiện thăm các bệnh viện tại địa phương mình thì có thể thấy rõ tình hình nguy hiểm này. Rất nhiều nhân viên y tế, cán bộ BHXH, cử tri, người bệnh đã gửi gắm những nỗi lòng của mình về những khó khăn hiện nay, tương lai của hệ thống y tế. Tìm được câu trả lời theo tôi không hề dễ dàng, vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ, ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều và phức tạp hơn”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nêu lên thực tế.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng nhấn mạnh: “Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. Ngay gần đây một vị ĐBQH “than phiền” với tôi rằng, muốn mua một viên kháng sinh rất thông dụng nhưng không thể mua được”.
Nhắc đến vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Hiếu cho rằng, “đã ít, đã thiếu nay còn ít hơn” bởi mức không tăng mà còn xu hướng giảm theo thống kê từ các bệnh viện công; không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới khiến các bác sĩ có giỏi đến đâu cũng phải “bó tay”.
Người mới nhận nhiệm vụ vô cùng bối rối
Từ những bất cập, thực tế trên, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Quốc hội một số vấn đề. Thứ nhất, rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm hoàn thiện dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) trong kỳ này và thông qua vào Kỳ họp sau.
Thứ hai, giám sát Chính phủ ban hành các Nghị định, Thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế như: Quyết nghị giảm mức độ dịch Covid-19; Hướng dẫn quyết toán các chi phí chống dịch; Thống nhất thanh toán chi trả BHYT cho một số lĩnh vực cụ thể.
Thứ ba, có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói Hồi phục kinh tế cho y tế cơ sở; đầu tư vào kỹ thuật cao ở các bệnh viện chuyên ngành; chính sách đào tạo nâng cao chất lượng thu hút tài năng, nguồn nhân lực.
Cuối cùng, Với tư cách là một bác sĩ thường xuyên điều trị những người bệnh ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu rất mong các vị lãnh đạo cao cấp, các vị ĐBQH hiểu được phần nào khó khăn ngành y tế đang gặp phải.
“Nó không chỉ là vật chất mà trong lúc nào chủ yếu là về tinh thần, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là nhân viên y tế chúng tôi cần nhất lúc này”, ông Hiếu bày tỏ.
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó của ngành y tế Việt Nam, vị đại biểu cũng nói rằng: “Chính trong thời bình lại vô cùng hoang mang khi những biến cố dồn dập xảy ra. Những “con sâu” đã lạc khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi bởi đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh”.
Cuối cùng, ông Nguyễn Lân Hiếu mong các ĐBQH đặc biệt lưu ý, chúng ta coi an sinh xã hội là mục đích để phấn đấu, y tế và giáo dục là trụ cột của an sinh xã hội nhưng 2 lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn. Sự ảnh hưởng không chỉ một vài năm mà qua hàng nhiều năm, nhiều thế hệ để lại những hậu quả khó lường mà thiệt hại nhất là người dân.