Băn khoăn về năng lực sử dụng vốn, đặc biệt ở cấp huyện
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 16/1, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất và chuẩn bị Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia và Quốc hội đã hết sức trách nhiệm khi kịp thời đưa nội dung thảo luận và biểu quyết Nghị quyết này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Nhấn mạnh, đây là Nghị quyết rất cần thiết để cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tại các Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 108 của Quốc hội khóa XV, trong đó đã đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều nhất khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nêu rõ, quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết rất nghiêm túc, thận trọng, đúng quy định, bao gồm cả việc xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết, lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện hồ sơ, thẩm định hồ sơ trình UBTVQH theo đúng tiến độ. Đồng thời, tiếp tục rà soát, tiếp thu, hoàn thiện theo quy trình rút gọn để hôm nay trình Quốc hội xem xét.
Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận thấy quy định như dự thảo Nghị quyết rất thông thoáng về phân bổ vốn. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về năng lực sử dụng vốn, đặc biệt ở cấp huyện để thực hiện các tiểu dự án của chương trình.
“Qua nhiều cấp, nhiều bước như vậy thì liệu có mất nhiều thời gian quá không?”, đại biểu băn khoăn.
Về tên gọi của Nghị quyết, đại biểu bày tỏ đồng tình với tên gọi là “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ban quản lý các chương trình sắp xếp kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các cháu dưới 6 tuổi thuộc các hộ gia đình nghèo được học mẫu giáo.
“Lý do rất nhiều các cháu con của gia đình nghèo là con của nông dân, công nhân, công việc không ổn định, thậm chí không tìm được việc làm thuê, làm mướn nên thu nhập rất thấp, không có thu nhập ổn định”, đại biểu Anh Trí nói và cho biết thêm, vì nhà nghèo quá các cháu cũng không được học ở các cơ sở nuôi dạy trẻ đạt tiêu chuẩn, có thể "bị ăn đói, bị ngủ rét", thậm chí bị đối xử thô bạo.
Theo đại biểu Anh Trí, các chương trình mục tiêu quốc gia thường được xây dựng nội dung khá rõ ràng, vốn đã được phân bổ phù hợp.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ không có việc nuôi con gì bằng nuôi con người, không có việc trồng cây gì bằng trồng người”, ông Trí nói và đề nghị lưu ý phân bổ lại kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia nói trên để có kinh phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được học mẫu giáo, hỗ trợ bao nhiêu tùy thuộc vào địa phương đó và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Quy định rõ nguyên tắc phân bổ ngân sách
Tham gia ý kiến, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa), đóng góp ý kiến phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm, đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ thống nhất với cơ chế đặc thù thực hiện dự toán chi thường xuyên.
Trên thực tế, khi Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo dự án thành phần, lĩnh vực sẽ đảm bảo được việc kiểm soát chi đúng mục đích theo mục tiêu đề ra.
Nhưng bên cạnh đó, ông Hải cho rằng cũng còn những khó khăn, vướng mắc nảy sinh như trường hợp chi không đúng đối tượng, nội dung chi không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương dẫn đến kết quả giải ngân vốn ngân sách thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia...
Để khắc phục vấn đề trên, ông Hải cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hàng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng chương trình mục tiêu quốc gia và giao cho Hội đồng nhân dân địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp, giúp cho các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn thực hiện các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông đề nghị tại điểm c khoản 1 cần làm rõ khi nào cần thiết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần.
Theo ông Hải, nên xem xét giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó giúp chủ động cho các huyện và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn và hiệu quả.
Đồng thời đề nghị cần phải có quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể.
Chủ động hơn nữa trong thiết kế các cơ chế đặc thù
Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội thường xuyên thông qua các Nghị quyết về cơ chế đặc thù.
Các cơ chế đặc thù này thường cho phép các đối tượng thực thi được thực hiện phương thức hành động khác với quy định của pháp luật hiện hành, để bỏ qua một số khâu không cần thiết, bỏ qua một số quy định vướng mắc chưa phù hợp để đẩy nhanh tiến độ công việc. Việc sử dụng cơ chế đặc thù đều mang lại hiệu quả tốt, chưa có cơ chế đặc thù nào mang lại tác động xấu.
Ông Cường cho rằng, việc thiết lập các cơ chế đặc thù sẽ giúp khắc phục sự khô cứng của quy định pháp luật, đưa kế hoạch triển khai phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, qua đó mang lại kết quả tốt.
Theo ông Cường, pháp luật có thể phù hợp ở lĩnh vực này, nhưng chưa thực sự phù hợp ở lĩnh vực khác, hoàn cảnh cụ thể khác. Vì vậy, khi luật pháp ban hành hướng đến một nhóm đối tượng cụ thể, có thể dẫn đến việc không phù hợp khi soi chiếu sang vấn đề khác, lĩnh vực khác, hoàn cảnh khác.
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng hiện nay, sẽ nảy sinh rất nhiều mối quan hệ mới, vấn đề mới. Chính vì vậy, trong tương lai, sẽ còn nhiều điểm bất cập về pháp luật cần được khắc phục bằng các cơ chế đặc thù. Do đó, ông Cường cho rằng không nên chờ đợi các địa phương, các ngành, các lĩnh vực thấy vướng mắc rồi đề xuất cơ chế đặc thù mà cần chủ động đưa ra cơ chế, phương thức để khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc trong pháp luật bằng các cơ chế đặc thù.