ĐBQH nêu lý do cần đánh giá ý nghĩa, vai trò của tài sản, vật chứng đối với vụ án

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 7, 09/11/2024 12:56

Theo ĐBQH Trần Công Phàn, chừng nào chưa đánh giá được ý nghĩa, vai trò của tài sản, vật chứng đối với vụ án thì không xử lý được.

Chừng nào chưa đánh giá được thì không xử lý được

Sáng 9/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) bày tỏ sự nhất trí rất cao đối với việc ban hành Nghị quyết.

Đại biểu nhìn nhận, trong những năm qua, chúng ta đã đấu tranh chống tội phạm nói chung, chống tham nhũng nói riêng.

"Đặc biệt, trong tham nhũng chúng ta tập trung huy động giải quyết đấu tranh chống tội phạm, tập trung vào thu hồi tài sản, bây giờ xem xét, xử lý tài sản trong những vụ việc và vụ án, tôi thấy rất cần thiết", đại biểu Trần Công Phàn nói.

ĐBQH nêu lý do cần đánh giá ý nghĩa, vai trò của tài sản, vật chứng đối với vụ án- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Công Phàn (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đại biểu, ngay cả quá trình từ khi giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, có khởi tố hay không khởi tố vụ án cũng kê biên, thu giữ.

Hay trong quá trình giải quyết vụ án thì điều tra, truy tố, xét xử cũng kê biên, thu giữ, phong tỏa tài sản, thu giữ vật chứng nhưng để thời gian xử lý quá dài, gây ra lãng phí.

"Tôi cho rằng, nếu Nghị quyết này Quốc hội thông qua là một biểu hiện sinh động, thể hiện đúng tinh thần của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư đang chỉ đạo vào lúc này là bên cạnh việc tập trung chống tham nhũng, tiêu cực thì còn chống lãng phí", đại biểu nhấn mạnh và cho biết đây chính là một biểu hiện sinh động, góp phần vào chống lãng phí để khơi thông được nguồn lực.

Về vật chứng và tài sản được thu giữ trong quá trình giải quyết vụ án, đại biểu Trần Công Phàn thống nhất toàn bộ nội dung, những điều kiện để áp dụng các biện pháp trong dự thảo Nghị quyết. 

Nhưng để giải quyết được thì theo đại biểu dứt khoát trước khi xử lý được vật chứng hay tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng phải đánh giá được ý nghĩa, vai trò của vật chứng, của tài sản đó đối với quá trình giải quyết vật chứng.

"Đối với quá trình giải quyết vụ án, ý nghĩa chứng minh tội phạm ở chỗ nào? và có tác dụng gì trong vai trò, ý nghĩa đó?, phải khẳng định được điều đó và theo tôi là không dễ", đại biểu Trần Công Phàn nêu và cho rằng ý nghĩa của vật chứng là thế nào và lưu ý điều kiện xử lý vật chứng. Bởi, đây là tài sản thu giữ trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc.

Do đó, theo đại biểu phải khẳng định vai trò, ý nghĩa của vật chứng, của tài sản đối với việc đánh giá, giải quyết vụ án thế nào?, sau đó mới có thể xử lý được.

"Tránh tình trạng xử lý rồi xong đến lúc giải quyết vụ án, giải quyết vụ việc thì lại cần đến vật chứng hay cần đến tài sản đấy", đại biểu nói.

Vì đây là việc không dễ, đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng đòi hỏi sự thống nhất cao giữa các ý kiến trong cơ quan tiến hành tố tụng.

"Vì vậy, theo tôi giới hạn ở các vụ án, vụ việc ở Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Trung ương theo dõi là hoàn toàn hợp lý, thời điểm thí điểm 3 năm cũng hợp lý", đại biểu nêu.

Còn các biện pháp khác về vấn đề xử lý vật chứng, ở trong Luật Tố tụng đã có. Nhưng ở đây làm thí điểm để xử lý những vụ việc làm sao xử lý sớm hơn những tài sản thu giữ, kê biên.

"Muốn sớm hơn được thì phải có thống nhất đánh giá về ý nghĩa, vai trò của tài sản, vật chứng đấy đối với vụ án, chừng nào chưa đánh giá được thì không xử lý được. Theo tôi, đây là một việc khó, cho nên cần thí điểm trong phạm vi như vậy", đại biểu Trần Công Phàn nêu.

Đảm bảo thu về giá trị cao nhất từ tài sản

Tham gia ý kiến, về biện pháp xử lý vật chứng tài sản, ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn Trà vinh) cho biết, khoản 1 Điều 3 về trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi vào ngân hàng để chờ xử lý. Theo tôi, cần quy định thời gian tối đa để thực hiện việc trả lại tiền cho bị hại, tránh tình trạng kéo dài thời gian gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan. 

Việc quy định thời gian cụ thể sẽ giúp đảm bảo quyền lợi của bên bị hại, đồng thời giúp cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng thời hạn và tránh chậm trễ trong việc xử lý. 

Đại biểu đề xuất cần bổ sung thời gian cụ thể và quy định về việc xử lý tiền lãi phát sinh khi gửi tiền vào ngân hàng, bảo đảm quyền lợi tài chính cho bên bị hại.

Tại khoản 3 Điều 3 về cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản, đại biểu Bình cho hay để đảm bảo tính công bằng, Nghị quyết cần quy định việc đấu giá công khai tài sản trong mọi trường hợp. 

"Điều này giúp tránh các trường hợp mua bán không minh bạch và tối ưu hóa giá trị tài sản. Đấu giá công khai là phương pháp minh bạch, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia cạnh tranh công bằng, đảm bảo thu về giá trị cao nhất từ tài sản", đại biểu Bình cho biết.

ĐBQH nêu lý do cần đánh giá ý nghĩa, vai trò của tài sản, vật chứng đối với vụ án- Ảnh 2.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Ảnh: Media Quốc hội).

Về tạm ngừng giao dịch, đăng ký, chuyển quyền sở hữu sử dụng tài sản, theo ông Bình cần có điều khoản bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan trong trường hợp tài sản bị tạm ngừng giao dịch hoặc chuyển quyền, đặc biệt là khi không được thông báo trước việc tạm ngừng giao dịch có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. Do đó, cần có thông báo trước để các bên có thời gian chuẩn bị và xử lý.

Bên cạnh đó, đại biểu cho hay, quy trình và thủ tục xử lý tài sản cần được quy định hết sức chi tiết, bao gồm các bước như: Lập biên bản, đánh giá giá trị tài sản và tổ chức đấu giá công khai. Ngoài ra, quy định cũng cần có cơ chế thẩm định giá trị tài sản để đảm bảo tính công bằng và hợp lý trong xử lý.

Quy trình chi tiết sẽ giúp ngăn ngừa các sai sót và tránh tình trạng lạm dụng quyền lực. Trong quá trình xử lý tài sản, thẩm định giá là bước quan trọng để đảm bảo tài sản được xử lý với giá trị đúng, không gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và các bên liên quan.

Về bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị cần quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình xử lý tài sản, bao gồm quyền khiếu nại và quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp. 

Bảo vệ quyền lợi các bên liên quan sẽ giảm thiểu nguy cơ tranh chấp và xây dựng niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp. 

"Do đó, cần bổ sung điều khoản về khiếu nại và cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình xử lý vật chứng tài sản để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên", đại biểu nêu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.