Chiều 31/10, trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho biết: Về vấn đề lương hưu của cô giáo Trương Thị Lan, nhiều cử tri đã gọi điện cho ông vào giờ nghỉ trưa để nêu ý kiến. Trước những tâm tư của cử tri, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng: “Vấn đề là Quốc hội cần xem lại lương của nghề giáo viên, nhất là giáo viên mầm non như vậy đã thỏa đáng chưa? Việc đóng bảo hiểm và lương hưu mà bảo hiểm xã hội trả khi về hưu cho một giáo viên như vậy đã thỏa đáng chưa? Nếu chưa thỏa đáng thì chúng ta tìm cách giải quyết để giúp đỡ cho họ”.
Trước đó, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) phát biểu: “Chúng ta quyết không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau 37 năm dạy học mầm non khi nhận quyết định nghỉ hưu, cô đã chết lặng với mức lương hưu sắp tới được hưởng sẽ là 1,3 triệu đồng/1 tháng”. ĐBQH Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng: “Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chuyển khá mạnh, nhưng một số bộ, ngành và nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thì vẫn chưa thực sự động. Con đường chúng ta đi vẫn còn nhiều vật cản. Đó là tình trạng bàn lùi, buông xuôi, vô cảm, sợ trách nhiệm...”.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) sau đó nói rõ với ĐBQH Ngọ Duy Hiểu và Quốc hội: “Chị Lan thực chất đi dạy hơn 37 năm, nhưng trước đó chỉ dạy theo cách tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp của người dân là công điểm. Còn thực chất, thời gian đóng BHXH của chị Lan là 22 năm 8 tháng. Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân các năm đóng BHXH của chị Lan là 1,8 triệu đồng. Đây là căn cứ đóng BHXH. Khi chị Lan về hưu là 22 năm, tương đương với 69% tính bình quân trên mức đóng của 22 năm đó. Như vậy, 69% x 1,8 triệu đồng thì lương của chị chỉ được 1,27 triệu đồng... Tất cả những người tham gia BHXH bắt buộc mà về hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được bằng lương cơ sở. Cho nên, chúng ta đã cấp bù cho chị Lan để đạt 1,3 triệu đồng”.