Trong phiên thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về vấn đề tăng trưởng không bền vững sau khi nghiên cứu báo cáo của Chính phủ.
ĐBQH Trần Quốc Vượng (tỉnh Yên Bái) đề nghị Ủy ban Kinh tế lý giải về vấn đề tăng trưởng này vì ông băn khoăn: “Điểm tôi rất quan tâm, thu từ cả 3 khối doanh nghiệp là thấp, số tăng thu không xuất phát từ khu vực sản xuất kinh doanh. Chúng ta đánh giá năm 2017 cũng như quý 1/2018 tăng trưởng tốt, có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng qua 2 dấu hiệu này cho thấy không phải điều mừng”.
Đưa ý kiến với tư cách một người nghiên cứu sâu về lĩnh vực này trên cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, cần phải nhìn lại bối cảnh kinh tế năm 2017. “Đây là năm đầu tiên trong kế hoạch 2016-2020, chúng ta có một bức tranh tổng thể kinh tế nhiều điểm sáng. Nhìn vào bức tranh này, chúng ta đã thấy “bình minh hé lên” trong bối cảnh kinh tế. Chúng ta có 12/13 các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra từ 2016 đến 2017, đã vượt và đạt. Chỉ có chỉ tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm là không đạt”, ông Kiên nói.
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên cũng phân tích dựa trên một loạt các con số báo cáo nêu rằng, cơ cấu đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của đất nước đang dần đi vào đúng mô hình chúng ta mong muốn, tức là tỉ trọng đóng góp của nông nghiệp giảm xuống, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp chỉ đạt 2,9%. Trong năm 2018 đến nay, tốc độ tăng trưởng cao nhất là ở khối công nghiệp, xây dựng và sử dụng vốn đầu tư, còn tốc độ tăng trưởng của dịch vụ đứng thứ 2 đạt khoảng 7,5%.
Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 14,5%. Tăng trưởng thu ngân sách năm 2017 dựa vào dầu thô vì giá dự toán ban đầu là thấp, nhưng thực tế cả năm 2017, giá xuất khẩu thị trường dầu thô thế giới cao, có nguồn thu tốt từ đây.
Tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 có tốc độ tăng trưởng khá tốt, xuất khẩu khoảng 21%, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu 20%, như vậy, chúng ta tiếp tục năm thứ 3 xuất siêu, tức là bán thừa tiền nhập khẩu, khoảng 1,4-1,5 tỷ USD. So sánh tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu. Như vậy, giá trị gia tăng trong sản xuất bắt đầu có hiện tượng được tạo thành ở trong nước chứ không còn chỉ dựa vào nguyên liệu và lao động giá rẻ.
Vấn đề thứ ba trong mặt được năm 2017 là nhìn chung, nền kinh tế không có đột biến lớn, giữ được tốc độ ổn định. Nếu nhìn vào tình hình thu ngân sách trong báo cáo của Chính phủ có thể thấy, tổng chi đầu tư phát triển 2017 đạt 365 nghìn tỷ đồng, chiếm 33% tổng giá trị GDP thu nội địa. Liên tục giữ tổng đầu tư toàn xã hội ở mức trên 30% là mức tương đối cao so với các nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng như Việt Nam.
Nói rộng ra, cái được trong kinh tế năm 2017 là sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng các văn bản pháp quy để đảm bảo cho nền kinh tế vận hành ổn định và đặc biệt là kinh tế vĩ mô. Một đóng góp quan trọng của Quốc hội đối với phát triển ổn định vĩ mô là thông qua Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và có tài sản đảm bảo. Đây là thay đổi rất lớn trong cả hệ thống chính trị và những người làm công tác điều hành về nhận thức. Từ trước đến nay, chúng ta quan niệm thiếu tiền thì ra ngân hàng vay, vay không trả được thì cứ từ từ, nhìn người đi vay tiền như người yếu thế. Theo Nghị quyết 42 lần đầu làm được, kinh tế vận hành, tiếp cận với những quy luật thông thường của kinh tế thị trường.
Rất nhiều hoạt động thu tài sản đảm bảo trong 4 tháng cuối năm 2017 và thu tài sản đảm bảo với giá trị 5-7 nghìn tỷ đồng nhưng không làm cho xã hội bất ổn, vẫn làm trật tự xã hội và ổn định xã hội ở khu vực thu. Ví dụ, ở TP.HCM, tòa nhà Saigon One Tower 6.700 tỷ là công ty mua bán nợ thu ngay. Ở Hà Nội, tòa nhà ngày xưa của tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 của bộ Ngoại thương cũng được VPBank cấn trừ nợ thành công.
“Chỉ trong 4 tháng năm 2017, tốc độ thu nợ tăng nhiều, giảm tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế. Từ 2016 về trước, ta luôn nói nợ xấu như cục máu đông của nền kinh tế. Trong 6 tháng cuối năm 2017, ta đã từng bước xử lý được. Quan trọng nhất là nhận thức của người đi vay, khi đến hạn mà có nhắc nhở của ngân hàng thì hai bên chủ động ngồi lại với nhau để bàn bạc cách xử lý” ông Kiên nhấn mạnh.
ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng, trong năm 2017 rất nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội và Chính phủ trình, thông qua và triển khai như Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông… Riêng thu từ thuế như thế đã vượt quá, gấp đôi số thu từ doanh nghiệp Nhà nước. Nó gấp 1,5 lần so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, chỉ một mặt thuế xuất nhập khẩu đã thấy đóng góp rất lớn.
"Quan niệm của những nhà kinh tế, không khuyến khích khoản thu từ thuế xuất nhập khẩu mà khuyến khích khoản thu thuế từ doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân", ông Kiên nói.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh rằng, trong 13 chỉ tiêu, chỉ tiêu không đạt được có nhiều hàm ý. "Chúng ta đầu tư tỉ trọng lớn nhưng không đạt cú hích về công nghệ sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng đầu vào, cạnh tranh. Như vậy, không phải doanh nghiệp FDI đưa vào công nghệ hàng đầu mà là hạng 2, 3 nên tốc độ giảm xuống, phải sử dụng năng lượng. Ví dụ nhà máy luyện alumin ở Tây Nguyên, ta phải cung cấp điện cho họ bằng giá bán buôn, tức là trợ giá 110 đồng/KW. Chỉ 1 con số minh chứng nền kinh tế vẫn còn tiếp tục phải tái cơ cấu", ông Kiên nhận định.