Liên quan đến vấn đề bổ nhiệm cán bộ còn có một số bất cập, thời gian vừa qua, dư luận nhắc nhiều đến chuyện “cả nhà làm quan”.
Xung quanh vấn đề trên, bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng: “Ở địa phương hiện nay xuất hiện 2 xu hướng. Một xu hướng là người đứng đầu địa phương bổ nhiệm cán bộ mang tư tưởng lợi ích nhóm, cục bộ, bè phái, ủng hộ người nhà. Về xu hướng này mà người dân lên án, phản ứng thì tôi cho rằng sự phản ứng đó là tốt.
Tuy nhiên, còn một xu hướng thứ hai đó là, nhiều khi việc bổ nhiệm lại đúng. Hoặc là người thân không do mình bổ nhiệm, mà trước đó người ta đã được bổ nhiệm nhưng đến khi mình lên giữ vị trí chủ chốt thì lại bị một số phần tử lợi dụng, thống kê số người ấy với mục đích làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo. Việc thống kê với mục đích không mang tính chất xây dựng đó thì lại là mặt hạn chế”.
Vị Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nói thêm: “Nếu ở mặt tích cực thì nên phát huy, còn mặt hạn chế thì cũng nên có những giải pháp. Bộ Chính trị, Chính phủ cần xây dựng thể chế trong vấn đề bổ nhiệm đề bạt về tiêu chuẩn. Hoặc là có thể tổ chức thi cử các chức danh. Thông qua đó, một là chọn được người tài. Thứ hai, những trường hợp con em của các lãnh đạo, của người đứng đầu nếu có đủ bằng cấp, có năng lực thực sự thì có thể tham gia thi. Công khai minh bạch thì không ai có thể đưa vấn đề này ra và cho rằng đó là tiêu cực”.
Đại biểu Phương dẫn chứng thêm: “Ở Quảng Bình cũng có những đơn thư phản ánh về việc bổ nhiệm cán bộ. Qua kiểm tra thực tế, sau khi Ủy ban kiểm tra vào cuộc thì có những trường hợp bị kỷ luật về vấn đề bổ nhiệm cán bộ công chức. Nhưng cũng có việc tố cáo không đúng. Ví dụ, có trường hợp Bí thư bị tố cáo và đưa lên facebook nói là bổ nhiệm con, cháu, rể… nhưng những trường hợp đó đều đã được bổ nhiệm trước khi ông ấy làm Bí thư”.