Sáng 31/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) đã nêu 2 vấn đề biểu hiện “trên nóng, dưới lạnh” trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ mới. “Trong khi Chính phủ trách nhiệm và quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không hoàn thành nhiệm vụ”, ông nói.
Dẫn dụ cho điều này, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho biết: “Vấn đề thứ nhất là tình trạng buôn lậu. Trong báo cáo của Chính phủ có nêu “tình trạng buôn lậu vẫn xảy ra”. Nhưng thực tế, tình trạng buôn lậu đã và đang rất sôi động trên cả đất liền và trên biển. Thiệt hại buôn lậu mang lại cho nền kinh tế là rất lớn, nhưng không có cơ quan nào đưa ra con số thống kê để có giải pháp hữu hiệu.
Nói đến nạn buôn lậu thì phải nói đến buôn lậu thuốc lá. Sau khi nghe phản ánh trên một số đài truyền hình, tôi đã tự đi thực tế “mục sở thị” tình trạng này ở các tỉnh phía Nam. Thực tế, tôi thấy, vận chuyển thuốc lá lậu khá công khai ở một số thời điểm nhất định trong ngày như ở Châu Đốc (An Giang), xe máy chở thuốc lá lậu thành từng tốp từ 1-4h sáng.
Sáng hôm sau, sau khi đi khảo sát ở chợ Châu Đốc, anh em nói với tôi là phải sang Long An trước 13h, chúng tôi đã phải trì hoãn ăn trưa để 12h30 có mặt ở đoạn đường Quốc lộ 62 (cách cửa khẩu Bình Hiệp khoảng vài trăm mét đến thị trấn Kiến Tường, đoạn đường khoảng 3km). Khi chúng tôi thắc mắc tại sao thì được “tiết lộ”, đó là khung giờ bọn buôn lậu đã mua được. Quả nhiên, đến đó được vài phút thì xe máy buôn lậu chạy rầm rầm qua với tốc độ kinh hoàng dù phát hiện thấy chúng tôi chụp ảnh và quay phim”.
Cũng theo vị ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, thuốc lá lậu bán công khai ở khắp mọi nơi từ chợ Châu Đốc (An Giang), chợ Kiến Tường (Long An), chợ Học Lạc ở TP.HCM. Có trưng bày hay không trưng bày thì muốn mua gì cũng có.
“Và thưa Quốc hội, đây là số thuốc lá tôi đã mua được trong chuyến đi thực tế tại các tỉnh phía Nam”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói và đưa ra một bọc thuốc lá lậu.
“Trong 3 ngày đi thực tế, tôi chỉ mong được gặp lực lượng chức năng đi kiểm tra, kiểm soát nhưng tuyệt nhiên không gặp lực lượng nào.
Tôi không phủ nhận những kết quả cũng như cố gắng của lực lượng chống buôn lậu trong thời gian qua, nhưng tôi muốn nói thực tế chuyến đi, nếu không tăng cường chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng, nhất là từ giờ đến Tết Âm lịch”, ĐBQH Sỹ Cương nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, bên cạnh tăng cường công tác chống buôn lậu thì một số biện pháp khác cũng phải xem xét kỹ. “Chúng ta đề nghị tăng thuế vì cho rằng thuốc lá Việt Nam rẻ. Tăng thuế theo lộ trình là cần thiết nhưng hiện tại, thuốc lá sản xuất trong nước có giá khoảng 10.000 đồng/1 bao, trong khi đó nhiều loại thuốc lá lậu tôi mua có 4.000 đồng/1 bao. Vậy việc tăng giá trị thuốc lá vô tình lại tăng kích cầu cho buôn lậu trong khi công tác chống buôn lậu chưa mang lại nhiều hiệu quả", ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói.
Về đề nghị việc tiêu thụ trong nước và tái xuất thuốc lá lậu, vị ĐBQH e ngại, không biết bán, tiêu thụ trong nước thu về cho ngân sách được bao nhiêu nhưng cơ hội để hợp pháp hóa thuốc lá lậu mang lại hậu quả vô cùng to lớn. Còn việc tái xuất có khi chưa đến biên giới đã quay lại Việt Nam vì nhiều loại thuốc lá chỉ sản xuất để thẩm lậu vào thị trường và tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. Do đó, ông đề nghị Chính phủ sáng suốt khi quyết định.
“Vấn đề thứ hai là phá rừng, đây cũng là minh chứng cho tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Thủ tướng yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng lớn thời gian qua nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ.
Tiếp xúc một chủ doanh nghiệp trồng rừng, nghe anh ta nói tôi mới biết để trồng rừng và giữ rừng khó khăn đến nhường nào và nếu không yêu rừng thì không thể làm được. Với kinh nghiệm thực tế của chủ doanh nghiệp đó, nếu không có tiếp tay của chính quyền sở tại và kiểm lâm thì lâm tặc không thể phá rừng ghê gớm đến như vậy. Một cây to có đường kính 1m phải mất 70-100 năm mới có được nhưng với lâm tặc chỉ 16 phút là xong.
Một trạm kiểm lâm mỗi đêm có khoảng 80-100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm khoảng 300-400 ngàn đồng tiêu cực thì số lợi thu tiền bất chính không hề nhỏ. Cứ như vậy thì bao lâu nữa còn đâu là rừng.
Có một điều, chính quyền chủ động phá rừng mới thật là ghê gớm. Nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do tận thu. Xin thưa, nếu cứ phá rừng tan hoang rồi lãnh đạo địa phương mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào thì không biết đến bao giờ, lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng mới trở thành hiện thực”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nêu thực trạng.