Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (TCCP) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP), tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 24/5, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến của mình xoay quanh vấn đề này.
Theo Tờ trình, đây là vấn đề Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội do quá trình xây dựng dự án Luật còn có ý kiến khác nhau về việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người. Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên số lượng 2 Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, không quá 2 Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh như quy định của Luật Tổ chức CQĐP hiện hành. Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.
Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, Luật Tổ chức CQĐP quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó Chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND lên Phó Chủ tịch theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003). Việc giữ nguyên số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn các Ban của HĐND cấp tỉnh. Đây là những vấn đề đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Chính trị (Khóa XI) trước khi Quốc hội biểu quyết đưa vào Luật Tổ chức CQĐP hiện hành.
Hoạt động của HĐND có là hình thức?
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) cho rằng: “Luật TCCP và Luật Tổ chức CQĐP hiện nay, sau 3 năm thực hiện không dài nhưng bộc lộ khá nhiều bất cập và tính bất hợp lý trong quá trình thực hiện chứ không phải chỉ là những nội dung Chính phủ trình với Quốc hội sửa đổi, còn rất nhiều những vấn đề khác mà không có điều kiện trao đổi. Nên tôi đề nghị cần phải tập trung, nghiên cứu một cách toàn diện những bất cập trong quá trình tổ chức, thực hiện hai luật này trong thực tiễn. Để từ đó, có những sửa đổi, bổ sung cho toàn diện hơn, không cản trở sự phát triển, hoạt động của chính quyền các cấp.
Về vấn đề giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND các cấp, nghị quyết 18 có nói rõ là phải giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, các cấp. Về nguyên tắc nghị quyết Trung ương là phải thi hành, thế nhưng nghị quyết nói rõ, có tài liệu kèm theo là giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ gắn với nâng cao chất lượng hiệu quả, để thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026”.
Từ nghị quyết 18, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu: “Thực tế, ngay cả Chính phủ trình thì Chính phủ cũng không trình được nội dung vì sao giảm? Trên nguyên tắc như nghị quyết 18 nói là phải nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của HĐND, mà chỉ nói là tinh giản biên chế. Nhưng, nếu nói tinh giản biên chế thì cũng không đúng bản chất tinh thần nghị quyết 18. Có nghĩa là không có phình ra không có tăng lên biên chế ở một số nơi phù hợp theo chức năng và điều kiện.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐND là uỷ viên thường trực nâng lên, nâng lên vẫn là hai biên chế đó thôi. Tính chất là như vậy, nên trong thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật cũng nói rõ vấn đề đó.
Trong thực tiễn, cũng có dư luận đặt ra một số vấn đề rằng HĐND là hoạt động hình thức, hoạt động HĐND làm tăng biên chế, gánh nặng về kinh phí…. Nhưng, tôi cho rằng hoạt động có hình thức hay không còn tuỳ vào mỗi nơi, mỗi địa phương. Tuỳ thuộc vào năng lực, trình độ, bản lĩnh và tâm huyết của đội ngũ cán bộ mà Đảng cử dân bầu. Chứ không phải cào bằng, không thể nói ở đâu cũng tốt hoặc ở đâu cũng hoạt động hình thức, điều này phụ thuộc vào mỗi nơi, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể và đội ngũ phẩm chất năng lực, đội ngũ cán bộ ở HĐND chúng ta giao và bầu.
Tôi nói như vậy, để thấy hiện nay, muốn HĐND tổ chức thực chất, mang lại hiệu lực, hiệu quả đúng như tinh thần luật đã nêu, đó là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, như vậy HĐND vừa có nhiệm vụ là quyết định những vấn đề lớn cho sự phát triển của địa phương, đồng thời HĐND có chức năng rất quan trọng là giám sát, thực thi pháp luật ở địa phương và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của hội đồng ở địa phương…
Với những nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền như vậy của HĐND, để HĐND phát huy được vai trò của mình, cho xứng với vị trí… thì tổ chức bộ máy là điều kiện rất cần thiết”.
Cơ sở nào đặt ra vấn đề phải giảm biên chế?
Từ những phân tích trên, đại biểu Quyết Tâm nêu ví dụ thực tế: “Hiện nay, với cơ cấu như vậy, theo tôi nói trên quan điểm nhìn từ HĐND TP.HCM, tôi cho rằng cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND TP.HCM hiện nay chưa tương xứng với nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Nó bất cập với yêu cầu thực tiễn của TP.HCM. Hiện nay, các cơ quan HĐND TP.HCM hoạt động hết công suất, làm việc cả thứ 7, chủ nhật không có nghỉ. Như vậy, cần phải có nguồn lực, cần phải có con người, phải có đội ngũ cán bộ, phải có bộ máy để làm việc.
Thêm nữa, nói rằng phải yêu cầu giám sát, đồng chí Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhiều lần phát biểu trong các hoạt động HĐND đều khẳng định, kết quả giám sát của HĐND thành phố giúp cho UBND thành phố nhìn thấy những hạn chế của mình, từ đó điều chỉnh công tác quản lý, góp phần rất quan trọng cho sự phát triển. Như vậy, đòi hỏi cần phải có bộ máy.
Vì thế, tôi nghĩ rằng một bộ máy chính quyền, hành chính chấp hành của HĐND đồ sộ như vậy nhưng HĐND được tổ chức với một bộ máy rất khiêm tốn, trong khi đó lại đòi hỏi quá cao về hiệu lực, hiệu quả thì đây là đòi hỏi không tương xứng với điều kiện hiện có”.
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt câu hỏi: “Vậy thì chúng ta không giữ lại thì thôi, cơ sở nào để đặt ra vấn đề phải giảm biên chế đi. Tôi đề nghị, vấn đề này cần phải đánh giá rõ hơn, đánh giá tác động một cách sâu sát và sâu sắc hơn, có lý giải về vấn đề này một cách khoa học hơn về tổ chức bộ máy, chứ không phải theo ý chí. Ở đây không nói giảm 1 hay 2 mà phải nhìn vào yêu cầu nhiệm vụ để tổ chức một bộ máy tương xứng với nhiệm vụ đó”.
Cũng tham gia góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh: “Về việc giảm Phó Chủ tịch và Phó trưởng ban chuyên trách, tôi có cảm nhận cách tiếp cận của Chính phủ theo nghị quyết 18, đó là theo hướng tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế hơn là vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Tôi thấy, cách tiếp cận này chỉ là tinh giản, trong báo cáo chưa đánh giá được điều gì cả. Bây giờ đánh giá hai vị trí này làm việc có hiệu quả hay không, nếu không hiệu quả thì giảm. Nhưng, trong trường hợp hai Phó Chủ tịch, hai Phó trưởng ban chuyên trách hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng của HĐND thì tại sao phải bỏ. Vấn đề đặt ra ở đây là nâng cao hoạt động hiệu quả của cơ quan dân cử mà chưa đánh giá rõ, nên cần đánh giá rõ. Cho nên, theo tôi vấn đề này cần phải đánh giá thật kỹ”.