Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Phát biểu tại phiên thảo luận chiều 9/11, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho biết, trong làn sóng dịch thứ 4, Tp.HCM là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cuối tháng 10 hơn 437.000 người nhiễm, chiếm 47% cả nước và hơn 16.600 người đã mất vì Covid-19 chiếm 75% cả nước.
Khi thực hiện phương châm “ai ở đâu, ở yên đấy” về cơ bản, hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Bình quân giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 0,7%) tổng số doanh nghiệp toàn Thành phố. Điều này có nghĩa là 99% doanh nghiệp không hoạt động, đồng nghĩa với việc 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng.
Theo đại biểu Nhân, Tp.HCM bị ảnh hưởng nặng về tăng trưởng kinh tế, dự báo năm nay tăng trưởng âm 5%. Để khắc phục hậu quả của Covid-19, phục hồi tăng trưởng kinh tế, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm với các nhà khoa học, các chuyên gia và doanh nghiệp, xác định có 4 giải pháp cần tập trung, khẩn trương thực hiện.
Thứ nhất, tổng kết sâu sắc việc phòng, chống dịch Covid-19, 2 tháng qua để thực hiện phòng dịch đồng bộ, hiệu quả, kiểm soát tốt hơn nữa. Đối với Tp.HCM cần đưa số người nhiễm bình quân một ngày ở mức khoảng 1.000 người hiện nay xuống dưới 500 người phù hợp với khuyến cáo của WHO.
Thứ hai, cần hỗ trợ cho 430.000 người đã nhiễm Covid và hơn 16.600 người đã mất vì Covid-19 để họ có điều kiện phục hồi sức khoẻ và điều kiện sống và làm việc.
Thứ ba, hỗ trợ để thu hút trở lại hầu hết 300.000 doanh nghiệp, lao động đã trở về quê, bổ sung đáp ứng nhu cầu lao động của thành phố. Điều này, thành phố đã và đang làm. Số lao động còn thiếu khoảng 8%.
Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục nhanh chóng sản xuất kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp đang cần gì? Mặc dù kinh tế thành phố năm nay dự kiến tăng trưởng âm 5%, song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố - nơi đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách vẫn còn nguyên vẹn.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, thiết bị công nghệ, máy móc của 288.000 doanh nghiệp vẫn còn nguyên, lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật của hơn 90% lao động vẫn còn nguyên, hệ thống đường giao thông, cung cấp điện, nước, rác, thông tin… vẫn còn nguyên, các hợp đồng kinh tế, quan hệ kinh tế cơ bản còn nguyên, quan hệ với các địa phương, Trung ương tốt hơn, ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn.
Từ đó, ông đặt câu hỏi: "Vậy, doanh nghiệp còn thiếu gì để khôi phục lúc này?". Đặc biệt trong bối cảnh gần 4 tháng ngưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không có thu nhập, không có tiền để mua nguyên liệu vật tư cho giai đoạn sắp tới, không có tiền để trả lương cho người lao động, không có tiền trả tiền điện, tiền nước…
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đoàn tàu kinh tế Tp.HCM còn nguyên "đầu tàu và toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu (8% đã về quê)".
"Như vậy, chúng ta cần kinh phí có thể mua dầu thì đoàn tàu sẽ chạy trở lại. Khi tàu trở lại, bán được vé có tiền thì sẽ có tiền trả nợ. Vậy 288 nghìn doanh nghiệp và 400 nghìn hộ kinh doanh cần bao nhiêu tiền hỗ trợ? ", ông Nhân đặt vấn đề bằng cách nhìn nhận "đoàn tàu" kinh tế Tp.Hồ Chí Minh.
Theo ông Nhân, Tp.HCM tuy có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, nhưng bình quân chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ, vốn sản xuất kinh doanh một doanh nghiệp là 41 tỷ, số lao động là 14 người, doanh thu một năm là 27 tỷ, thuế một năm đóng là hơn 800 triệu đồng.
"Vì vậy, chúng tôi dự báo khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự khởi động lại không cần hỗ trợ, nhưng 80% cần hỗ trợ vốn của Nhà nước để đủ vốn lưu động. Với mức bình quân khoảng 5 tỷ đồng một doanh nghiệp, 25 triệu một hộ kinh doanh cá thể. Tổng mức vay khoảng 440 nghìn tỷ đồng thì chúng ta có thể khởi động hầu hết doanh nghiệp này", ông Nhân nói.
Đại biểu đoàn Tp.HCM đặt câu hỏi "các doanh nghiệp vay có trả được tiền không?" và phân tích: Với mức vay 5 tỷ thì chiếm khoảng 20% doanh thu một năm của doanh nghiệp và vay 25 triệu một hộ kinh doanh, chiếm 5% doanh thu của hộ, thì họ có thể trả nợ được.
Ông Nhân cho rằng, việc hỗ trợ để vay được 940 nghìn tỷ đồng thông qua giảm 3% lãi suất vay, tức là chúng ta chỉ phải bù 28.200 tỷ đồng, nếu so với số thuế các doanh nghiệp này đóng góp một năm là 277 nghìn tỷ thì gấp 9,8 lần so chúng ta hỗ trợ. Điều này cũng đang làm về mặt xã hội.
Với cả nước, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Hiện nay, chúng ta đã chi hơn 100 nghìn tỷ, dự kiến còn hơn 100 nghìn tỷ và thiếu 100 nghìn tỷ.
“100 nghìn tỷ này có sẵn, đó là đầu tư công, chúng ta còn chưa dùng hết hơn 100 nghìn tỷ năm nay. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển hơn 100 nghìn tỷ đầu tư công không thể chi hết năm này sang hỗ trợ doanh nghiệp và phòng chống dịch. Như vậy, đoàn tàu kinh tế Tp.HCM, Hà Nội, cả nước sẽ được tăng tốc trong thời gian sắp tới”, vị đại biểu này nói.
Ban hành gói chính sách hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) cho rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2021. Đại biểu Mai cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Đề nghị Chính phủ giao rõ thời gian cơ quan thực hiện để sớm giải quyết các tồn tại đã được chỉ ra trong năm 2021, như:
Ban hành thủ tục pháp lý định giá doanh nghiệp, cơ chế tài chính giải ngân vốn ngoài nước, sớm giao vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để có nguồn vốn bền vững để Chính phủ có giải pháp mạnh tay trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, như cần hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đại biểu Mai cũng đề nghị bổ sung thêm nguồn lực cho doanh nghiệp để phục hồi và phát triển, như ban hành gói chính sách hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần khuyến khích các liên doanh để thu hút vốn, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận cách quản lý công nghệ hiện đại, tăng nỗ lực cho doanh nghiệp, hình thành một số chuỗi tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực…