Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, bắt buộc người dân phải đổi giấy phép lái xe bằng chất liệu giấy sang giấy phép được làm bằng chất liệu PET. Một trong những nội dung gặp phản ứng của dư luận là quy định buộc lái xe phải thi lại lý thuyết nếu chậm chuyển đổi.
Cũng do nhiều người hiểu lầm là thời hạn đổi giấy phép xe máy từ bìa giấy sang nhựa đến ngày 31/12/2016 là hết hạn nên đổ xô đi đổi. Theo ghi nhận của PV, tại Sở GTVT Hà Nội, hàng ngày có đến hàng trăm người đến nộp hồ sơ làm thủ tục đổi giấy phép lái xe.
Do lượng người quá đông đã dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy để xếp hồ sơ, chờ phát số thứ tự. Lực lượng bảo vệ và nhân viên bộ phận một cửa của Sở GTVT Hà Nội phải làm việc hết công suất.
Phải chờ đợi quá lâu mới tới lượt, nhiều người tỏ ra chán nản, thậm chí có người bỏ về khi chưa làm xong thủ tục. Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1987, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: “Sau khi biết thông tin sắp hết hạn đổi giấy phép lái xe máy, tôi có mặt tại điểm đổi GPLX từ 7h sáng nhưng không lấy được số thứ tự khi chờ đến 9h, thì có cán bộ thông báo đã hết số. Do sợ không đổi được GPLX sẽ bị phạt nên tôi đành phải chờ đến chiều mới đến lượt, nhiều người mệt mỏi không kiên nhẫn được nên đã bỏ về sớm”.
Theo Sở GTVT Hà Nội, mỗi ngày Sở này tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ đổi giấy phép lái xe ở 3 điểm, tăng khoảng 20% so với các tháng trước. Sở GTVT đã tăng cường cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục và giải thích cho người dân hiểu.
Được biết, Bộ GTVT đã lên tiếng khẳng định sẽ sửa đổi Thông tư 58 ở một số nội dung không phù hợp. Thế nhưng, dư luận xã hội vẫn chưa thấy thỏa đáng và cho rằng, cần xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm những người tham mưu ra văn bản nói trên. Bởi văn bản quy phạm pháp luật có ảnh hưởng tới nhiều tầng lớp nhân dân, dù một nội dung nhỏ sai cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không xử lý kịp thời.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng: “Trước hết, cần hủy bỏ văn bản và thay thế bằng văn bản khác.
Việc người dân đổ xô đi đổi GPLX do nội dung không rõ ràng tại Thông tư này thì cũng ở mức độ gây hậu quả vừa phải. Tuy nhiên, cần truy đến cùng trách nhiệm người tham mưu ra văn bản căn cứ vào hậu quả của những sai sót gây ra như thế nào để có xử lý cho phù hợp”.
“Tôi nghĩ, chắc chắn ở cơ quan này, những người tham mưu ra văn bản sẽ phải chịu hình thức kỷ luật nhất định, ít nhất cũng bị cắt thi đua trong năm nay. Đây cũng là hình thức vừa giáo dục, vừa răn đe. Tuy nhiên, việc dừng lại kịp thời và nhận ra khuyết điểm để hủy bỏ thì cũng cần xem xét để giảm nhẹ hình phạt”, ĐB Hà nêu quan điểm.
Đưa quan điểm về việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói trên báo Thanh Niên, chưa xem xét trách nhiệm những người tham mưu ra văn bản, vị ĐBQH là Giám đốc Học viện Tư pháp không đồng tình và khẳng định: “Nếu nói chưa xem xét trách nhiệm là biểu hiện của việc cấp trên bao che cho cấp dưới và trả lời ngay như vậy là chưa thỏa đáng. Bởi cần xem xét mức độ sai phạm, hậu quả như thế nào để có hình thức xử lý phù hợp, ít nhất là không đưa vào diện bình xét thi đua cuối năm, có phê bình, kiểm điểm.
Sai ở đâu thì xử lý ở đấy, ai sai phải chịu trách nhiệm, không bao che cho bất cứ ai vì luật pháp là không có khoảng trống”.
Trên thực tế, việc ra những văn bản không phù hợp đã từng có tiền lệ. Nhiều văn bản khi ra đời không khả thi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng: “Nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm của những người tham mưu ra văn bản và năng lực hạn chế. Năng lực cán bộ là một trong những điều được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tôi nghĩ, trong chủ trương tinh giản biên chế cần lưu ý đưa những người không đủ tiêu chuẩn, năng lực ra khỏi bộ máy”.
Dương Thu - Thế Anh