Cắt điện liên tục dân sẽ thấy bức xúc
Trao đổi trên hành lang Quốc hội chiều 10/6, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đã có trao đổi về tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên diễn ra những ngày qua.
Ông Hoà nhìn nhận, tình trạng thiếu điện đã xảy ra nhiều năm nay, hầu như năm nào cũng xảy ra, gây bức xúc cho người dân. Điện là một vấn đề cực kỳ quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.
“Thí dụ Hà Nội trong mấy ngày nay giữa thời điểm nắng nóng mà phải tiết kiệm điện, cắt điện thì người dân cũng cảm thấy rất bức xúc, song cũng rất xót xa cho ngành điện”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ, đồng thời nêu băn khoăn tại sao tình trạng thiếu điện này kéo dài đã nhiều năm mà chưa khắc phục được?
Nói về hiện tường nhiều địa phương bị cắt điện như hiện nay, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, không đủ điện cung cấp thì buộc EVN phải cắt, việc không có điện thì chuyện cắt là điều đương nhiên, bởi “không đủ nguồn thì làm sao có thể cung cấp được”.
“Chúng ta thấy một số thủy điện mực nước chết, không có khả năng phát điện, đây cũng là nguyên nhân khách quan của ông trời, ông không mưa thì làm sao có nước”, ông Hòa nói.
Đại biểu cũng cho biết, vừa rồi Cục trưởng Điều tiết điện lực đã xin lỗi người dân về tình trạng cắt điện và vị này cũng đã có đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho việc có điện sắp tới.
“Để xem EVN điều hành lưới điện cho người dân, doanh nghiệp sắp tới ra sao, rồi chúng ta sẽ có những đánh giá đối với EVN”, ông Hòa nói.
Trong ngày 9/6, khi trao đổi với báo chí, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết việc thiếu điện đã được cảnh báo từ vài năm trước.
Ông Thanh cho rằng, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi lại ở mức khoảng 6-7%, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải chỉ như hiện nay.
Nói về nguyên nhân thiếu điện, ngành điện cho rằng, do nắng nóng dẫn đến tiêu thụ điện tăng vọt, nên phải cắt điện luân phiên để giảm tải. Thế nhưng, một thực tế khác được chỉ ra là trong những năm qua không có dự án nào lớn được đầu tư và nếu có thì cũng chậm triển khai.
Việc này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế "đã có báo cáo cả rồi". Ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra rất rõ những doanh nghiệp chậm ở các dự án nguồn điện, do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư, bao gồm EVN, PVN, TKV.
Nhà nước không thể bù đắp cho EVN mãi
Nói về kết quả kinh doanh của EVN trong năm 2022, đại biểu Phạm Văn Hòa nói "nếu năm 2023, 2024 tiếp tục để lỗ thì trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là rất lớn".
“Tiếp tục lỗ nữa thì người đứng đầu ngành trên nên có văn hóa từ chức để cho người khác điều hành EVN tốt hơn. Không thể năm nào Nhà nước cũng bù đắp cho EVN được. Tiền này là ngân sách, tiền của người dân, cho nên người dân búc xúc là lẽ đương nhiên”, ông Hoà nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, trách nhiệm cần phải cụ thể hóa, cơ quan có trách nhiệm cần phải vào thanh tra, kiểm tra.
“Nếu lỗ có nguyên nhân lý do khách quan thì chấp nhận được, còn lỗ không phải nguyên nhân khách quan thì không thể chấp nhận được”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng, có sự vào cuộc của thanh tra, kiểm toán thì sẽ phơi bày ra ánh sáng nguyên nhân lỗ 26.000 tỷ đồng mà EVN vừa báo cáo.
Trước đó, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022, còn các công ty phát điện, gồm đơn vị thành viên của EVN, vẫn lãi hàng nghìn tỷ và có hàng chục nghìn tỷ gửi ngân hàng.
Trong văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và các đại biểu Quốc hội mới đây, EVN giải thích, cần xem xét con số gửi hàng chục nghìn tỷ với số dư nợ ngắn hạn, khoảng 60.045 tỷ đồng, tại cùng thời điểm của các công ty thành viên.
Theo EVN, các khoản nợ ngắn hạn trên cho thấy số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn. "Nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới", tập đoàn này giải thích.
Ngoài ra, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký.
Số tiền này cũng để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải (tiêu thụ điện năng) và chi phí cho sản xuất kinh doanh.
"Các tổng công ty điện lực phải chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc, lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng, thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện theo quy định, và có trách nhiệm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị", EVN cho biết.