Chiều ngày 25/10, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm với 48 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được công bố. Bên lề kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên đã cơ bản phản ánh được những vấn đề bức xúc của từng lĩnh vực.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) cho biết: “Đứng đầu số phiếu “tín nhiệm cao” là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện đánh giá của các đại biểu về sự cống hiến của họ đối với quá trình đổi mới đất nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi điều hành luôn đổi mới Quốc hội, giúp cho hoạt động của Quốc hội, của các ĐBQH gắn kết với cử tri, với hơi thở cuộc sống.
Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng điều hành công việc quyết liệt, trách nhiệm, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kết quả thể hiện qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2017 và dự kiến 2018 đều đạt và vượt”.
Liên quan đến việc hai lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây (2013, 2014), khối lập pháp có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao” áp đảo so với khối hành pháp. Nhưng ở lần lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, khoảng cách này đã được rút ngắn, ĐBQH Lê Công Nhường nhìn nhận: “Ở lần lấy phiếu tín nhiệm này, số phiếu “tín nhiệm cao” giữa 2 khối lập pháp và hành pháp đã không còn chênh nhau nhiều như những lần lấy phiếu trước.
Khối hành pháp sát sườn với đời sống của cử tri hơn, những năm trước khi các lĩnh vực về hành pháp chưa giải quyết được những bức xúc của cử tri thì đã thể hiện qua lá phiếu mà ĐBQH đánh giá các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đến nay, những bức xúc của cử tri đã được giải quyết kịp thời hơn, quyết liệt hơn nên sự chênh lệch số phiếu “tín nhiệm cao” giữa 2 khối thu hẹp lại”.
Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) đánh giá, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là khách quan, cơ bản phản ánh được những vấn đề bức xúc của từng lĩnh vực.
Ông Lợi nêu ví dụ: “Tư lệnh các lĩnh vực như giáo dục, giao thông… chưa đạt được số phiếu tín nhiệm cao cũng phản ánh rõ thực tế. Chẳng hạn như giáo dục, đang có nhiều vấn đề dư luận xã hội bức xúc, hay vấn đề BOT trong giao thông…
Những lá phiếu đó đã thể hiện đánh giá về nhiệm vụ của các bộ ngành rất khó khăn, phức tạp và cũng thể hiện vấn đề dư luận xã hội. Và lá phiếu của các ĐBQH cũng thể hiện tâm tư nguyện vọng của cử tri”.
Tuy nhiên, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi chia sẻ thêm: “Chúng ta cũng cần nhìn nhận là không phải tất cả những tồn tại đó đều do trách nhiệm của tư lệnh ngành, mà đó chính là bức xúc, yêu cầu, đòi hỏi khách quan của cử tri cả nước ứng với các lĩnh vực… Ví dụ giáo dục có nhiều vấn đề rất cần đổi mới, cần cải cách. Còn giao thông thì cần xử lý tốt vấn đề BOT… Đây là những vấn đề mà không phải tư lệnh ngành có thể xử lý được hết.
Qua lần lấy phiếu lần này, Chính phủ, Quốc hội cũng nhìn thấy được những vướng mắc cần giải quyết cho người dân. Cách bỏ phiếu như thế này cũng là sự đánh giá để các tư lệnh ngành thấy được những khó khăn, tồn tại mà các ngành cần giải quyết.
Bộ trưởng phải thấy được rằng lá phiếu hôm nay là lời nhắc nhở lĩnh vực mình đang có vấn đề cử tri quan tâm nên cần phải cố gắng hơn nữa. Và nếu có khó khăn gì thì Bộ trưởng phải có đề xuất với Chính phủ, Chính phủ đề nghị với Quốc hội giải quyết”.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm: “Không đạt số phiếu tín nhiệm cao không có nghĩa là tư lệnh ngành đó không đủ phẩm chất làm Bộ trưởng”.
Ông Nhưỡng cho rằng, lá phiếu tín nhiệm là thể hiện “sự gửi gắm, mong muốn của cử tri, đại biểu về việc Bộ trưởng phải thực sự chèo lái con thuyền của mình vượt qua được sóng gió”.
Nguyễn Hường - Hoàng Bích