Sự việc bạo lực học đường xảy ra tại Trường Quốc tế Tp. HCM American Academy (ISHCMC-AA) những ngày qua vẫn đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận.
Bên hành lang Quốc hội, chiều 30/5, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bạo lực học đường không phải vấn đề mới, dư luận đã phản ánh rất nhiều.
Song, vụ việc tại Tp.HCM khiến dư luận sững sờ bởi nó xảy ra trong chính môi trường quốc tế danh giá, với mức học phí “khủng” mà nhiều người nghĩ rằng sẽ không xảy ra những vụ bạo lực như vậy.
Theo đại biểu, bạo lực học đường có thể xảy ra ở cả các trường vùng sâu vùng xa đến những trường quốc tế tại các thành phố lớn.
Dù không mới, nhưng đây vẫn là trăn trở của xã hội bởi đã có thời gian dài, ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung nỗ lực để giảm tình trạng bạo lực học đường.
Nói về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, bà Nga cho rằng có nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân từ chính tác động của đại dịch Covid-19.
“Đại dịch ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người ở tất cả các lứa tuổi, đối tượng. Học sinh là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khi các em có thời gian rất dài học trực tuyến, không được giao lưu với bạn bè, thầy cô, kỹ năng sống cũng bị ảnh hưởng”, nữ đại biểu chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ cần nhìn thẳng vào sự thật, một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục kỹ năng sống cho con em mình.
Những kỹ năng sống không chỉ đơn thuần cho học sinh thực hành hàng ngày mà cả việc ứng xử với thầy cô, bạn bè, cộng đồng.
“Đôi khi một số em càng con gia đình khá giả, có điều kiện càng được phụ huynh o bế, cha mẹ rất quan tâm đến việc làm sao để con có thể hưởng những điều kiện tốt nhất nhưng lại vô tình tước đi của con em nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng sống. Vì thế, kỹ năng ứng xử của các em với cộng đồng hơi kém”, đại biểu Nga nhấn mạnh.
Đại biểu phân tích thêm, điều kiện xã hội phát triển, việc học sinh sở hữu một chiếc điện thoại thông minh rất dễ dàng, ngay từ khi còn rất nhỏ, nhiều em đã thành tạo với việc tạo các tài khoản mạng xã hội và đăng tải thông tin trên đó.
Đây cũng là nguyên nhân khiến xã hội có cảm giác ngày càng có nhiều vụ bạo lực học đường và những vấn đề tiêu cực khác. Điều này bao gồm cả mặt lợi và hại.
Điểm tích cực là ngày càng có nhiều vụ việc bị phanh phui, có sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng.
Nhưng mặt khác, các video, hình ảnh bạo lực học đường xuất hiện tràn lan trên mạng cũng ảnh hưởng xấu đến xu hướng phát triển, tự tiêm nhiễm vào nhiều học sinh những cách ứng xử lệch lạc.
Chưa kể, với các nạn nhân, nhiều vụ bạo lực học đường được phát trực tiếp trên mạng, thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem, thu về những ý kiến trái chiều khác nhau.
Điều này có thể khiến các nạn nhân trong các vụ việc càng bị tổn thương sâu sắc hơn, hoảng loạn về mặt tinh thần.
Để hạn chế vấn đề bạo lực học đường, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng rất cần đẩy mạnh truyền thông, kiểm soát tốt hơn nữa các nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục con em.
Trước đó, ngày 26/5, tài khoản chị T.H.T đã sử dụng Facebook để livestream (phát sóng trực tiếp), tỏ thái độ bức xúc khi con gái của chị bị đánh tại trường ISHCMC-AA. Theo chia sẻ của chị T, con gái chị và 3 bạn nữ khác đã bị một nữ sinh trong trường đánh. Trong livestream này, vị phụ huynh cũng liên tục cho rằng, phía nhà trường thiếu trách nhiệm, không cho phép các phụ huynh gặp học sinh đã đánh con họ.
Sự việc này đã được dư luận đặc biệt quan tâm, livestream của vị phụ huynh trên được hàng chục nghìn chia sẻ. Trên mạng xã hội, phụ huynh này cũng bức xúc cho biết, khi đến trường để làm rõ việc con bị bạo lực học đường, song nhà trường lại không giải quyết, yêu cầu phụ huynh các bên tự giải quyết.
Vụ việc đang khiến dư luận xôn xao, nhiều ý kiến bức xúc về cách hành xử của trường quốc tế khi xảy ra bạo lực học đường.
Hoàng Bích – Thu Huyền