Vụ việc ông Nguyễn Đức Lý, Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Bình đưa số gỗ mua được của gia đình về cất giữ tại trụ sở của 2 đơn vị trực thuộc đang khiến dư luận bức xúc.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐB Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Ông có bình luận như thế nào trước việc Giám đốc Sở cất giữ tài sản gia đình (cụ thể là gỗ - PV) ở trụ sở làm việc?
Tôi nghĩ rằng, chưa nói đến vấn đề số gỗ đó có nguồn gốc hay không nhưng việc Giám đốc dùng trụ sở cơ quan Nhà nước để cất giữ đồ riêng tư của mình là chưa đúng. Thậm chí, dư luận sẽ cho rằng, cán bộ công chức, viên chức đang lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi cho cá nhân, dùng tài sản Nhà nước để tư lợi.
Tôi nghĩ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần làm rõ vấn đề này để trả lời dư luận. Người dân sẽ rất bức xúc vấn đề này, cá nhân tôi đọc thông tin báo phản ánh cũng thấy rất bức xúc.
Cần làm rõ nguồn gốc gỗ đó xuất phát từ đâu, mua có nguồn gốc hay không. Thêm nữa, cần làm rõ vì sao vị Giám đốc không để gỗ ở nhà, nơi riêng tư của mình mà lại để ở cơ quan hàng năm trời như vậy.
Được biết, lực lượng kiểm lâm TP. Đồng Hới đã xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đối với công ty bán gỗ cho ông Nguyễn Đức Lý vì đã thực hiện hành vi bán lâm sản trái quy định của Nhà nước. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Đọc thông tin đại diện Hạt Kiểm lâm Đồng Hới trả lời trên báo “lỗi do người bán”, tôi thấy chưa hài lòng về xử lý trách nhiệm. Nếu nói hàng có chứng từ, sai ở người bán chứ không phải người mua là vô lý bởi người mua phải biết gỗ đó là gỗ thật hay giả, nguồn gốc ở đâu.
Người cố tình mua đồ gian, hàng giả rồi đổ thừa cho người bán là không đúng. Tôi cho rằng, cả người bán và người mua đều biết và đều chịu trách nhiệm. Chẳng hạn người bán bán hàng giả thì đương nhiên người mua phải biết và mua với giá rẻ hơn thị trường.
Cần khẳng định, nếu số gỗ đó không xác định được nguồn gốc là do lỗi của cả hai bên mua và bán. Hơn ai hết, bản thân vị Giám đốc Sở phải biết nguồn gốc số gỗ này ở đâu.
Nếu có tiền, mua gỗ một cách hợp pháp thì không có gì đáng phải bàn. Nhưng ít nhất cũng phải biết nguồn gốc xuất xứ, chất lượng gỗ có xứng với đồng tiền mình bỏ ra hay không.
Quảng Bình lại là địa phương có nhiều rừng cấm khai thác gỗ, dư luận sẽ dấy lên nhiều lo ngại với những sự việc như thế này. Là Giám đốc Sở phải có hiểu biết nhất định, càng không thể vi phạm được. Mặc dù kiểm lâm nói số gỗ mua có nguồn gốc xuất xứ nhưng gỗ của ai, bán như thế nào cần được làm rõ. Nếu đúng là vị Giám đốc đã mua thì trả lại sự trong sạch cho ông ấy, còn nếu không đúng thì phải xem xét lại vị trí của Giám đốc.
Ông có cho rằng, đây là một trong những vấn đề nhức nhối và là minh chứng sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý tài sản công (Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) mà Quốc hội đã cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 này?
Kho của cơ quan là nơi chứa vật dụng của cơ quan chứ không phải kho để chứa gỗ cho giám đốc. Vừa qua, Quốc hội cho ý kiến vào Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, tài sản công phải được dùng cho việc công, không dùng cho việc riêng.
Lãnh đạo một cơ quan của tỉnh sử dụng tài sản công như vậy là sai. Qua những việc như thế này mới càng thấy sự cần thiết ban hành Luật để có chế tài cụ thể với từng cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng tài sản công không hợp lý.
Luật cần quy định rõ, không để như thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản công không đúng mục đích. Có những cơ quan, trụ sở không sử dụng hết mà đi cho thuê.
Được biết, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu vị Giám đốc làm tường trình. Ông đánh giá sao về động thái này?
Tôi tin Tỉnh ủy Quảng Bình sẽ xử lý nghiêm trường hợp này. Mức độ ra sao tùy theo sai phạm nhưng cần xử lý nghiêm để làm gương. Cán bộ, lãnh đạo phải nêu gương. Cần kiểm điểm trách nhiệm, làm gương cán bộ, không làm xấu hình ảnh người cán bộ trong lòng cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Dương (thực hiện)