Dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017 đang được bộ GD&ĐT lấy ý kiến dư luận có ý kiến gây tranh cãi. Đó là điều khoản quy định: Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Quy định này được cho là thiếu khả thi và cần tính toán lại.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, Ủy viên ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
PV: Thưa bà, quy định tại Điều 25, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục được cho là không phù hợp và cần tính toán lại. Ý kiến của cá nhân bà thế nào?
ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai: Quy định trông nhận trẻ mầm non từ 3 tháng tuổi là không khả thi. Chúng ta đang tích cực trong vấn đề cải thiện dân số, vì dân số hiện nay có tình trạng vừa nhỏ, vừa thấp lùn, béo phì. Một trong những nguyên nhân là việc chăm sóc trẻ 1.000 ngày tuổi đầu đời làm chưa tốt. Hơn nữa, cần tính toán đến việc chồng chéo với một số luật khác, nhất là khi Nhà nước đang tuyên truyền người dân nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và người lao động được nghỉ đến 6 tháng khi sinh con.
Tôi nghĩ, bộ GD&ĐT đưa ra quy định giữ trẻ 3 tháng sẽ khiến dư luận bức xúc vì nó phi thực tế. Nếu sớm nhất cũng phải là trẻ từ 7 tháng tuổi trở đi. Cá nhân tôi không ủng hộ quy định này.
Quy định này chỉ phù hợp với một số trường hợp trẻ mồ côi hoặc hoàn cảnh đặc biệt, nó không phải là phổ biến. Những gì không phải là phổ biến mà đưa thành luật thì không được.
PV: Trẻ 3 tháng tuổi thường là đối tượng còn cần bế ẵm, rất khó để chăm sóc ở các cơ sở mầm non cả về điều kiện vật chất, tinh thần và nguồn nhân lực?
ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai: Rõ ràng, điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay chưa cho phép thực hiện điều này. Thậm chí, cơ sở nhà trẻ còn thiếu để cho trẻ vào vì không đủ người. Lâu nay, chúng ta đã thấy vấn đề bất cập là không đủ cơ sở trông giữ kể cả trẻ từ 2 tuổi trở lên. Vậy, để trông giữ trẻ 3 tháng tuổi, chúng ta lấy nguồn lực ở đâu? Vậy nên quan điểm của tôi cho rằng, đây chính là điều khoản phi thực tế.
Trẻ từ 3-5 tuổi còn không đủ điều kiện, thực tế chưa giải quyết được mà đưa ra một điều khoản không khả thi trong trường hợp này thì không nên.
PV: Một số ý kiến cho rằng, quy định này thể hiện tính nhân văn. Nhưng, sự nhân văn trong trường hợp này có phần khiên cưỡng?
ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai: Tôi nghĩ đây là quy định phi nhân văn. Mẹ thì phải chăm con, vì không ai chăm con kỹ bằng mẹ được. Ít nhất, mẹ là người phải chăm con trong thời gian hậu sản (sau sinh 6 tháng). Hơn nữa, mẹ còn cần cho con bú, sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ nhỏ. Những thành phần nghỉ trước sinh từ 2-3 tháng là rất cá biệt, không nhiều.
Nếu trẻ được gửi đến cơ sở mầm non từ 3 tháng tuổi thì không đáp ứng được việc cho trẻ bú sữa mẹ như vậy. Như thế thì nhân văn ở chỗ nào? Nhân văn là trong trường hợp trẻ mồ côi, nhóm nhỏ thì cần có biện pháp riêng để phù hợp với nhóm người đó. Còn đa số, sự nhân văn với trẻ là phải được mẹ đẻ chăm sóc. Còn 3 tháng, trẻ phải xa mẹ là phi nhân văn.
Nhiều trường hợp bảo mẫu chăm sóc trẻ nhỏ tại nhà, thuê nhiều tiền còn bị bạo hành. Ngay cả ông bà chăm cháu còn không bằng mẹ chăm con, huống chi là người ngoài? Cô giáo có chăm đến mấy thì trẻ nhỏ cũng không cảm nhận được bằng việc được mẹ chăm sóc.
PV: Có ý kiến cho rằng, với trẻ 3 tháng tuổi, việc trông giữ khó khăn, cần kỹ năng đặc biệt và sự tận tâm. Sẽ rất khó để đảm bảo an toàn cho trẻ nếu người chăm sóc không cân bằng được tâm lý, không yêu trẻ bằng tình yêu thương thực sự, điều này dễ gia tăng các vụ bạo hành trẻ?
ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai: Đa phần các trẻ dưới 5 tuổi có ý thức một phần nhưng cũng không có khả năng tự bảo vệ, huống hồ trẻ còn phải bế ẵm.
Vậy, áp lực cuộc sống, áp lực nghề nghiệp, những cơ sở không đủ điều kiện vì họ tồn tại với lý do kinh doanh thì đảm bảo an toàn cho trẻ là không chắc chắn.
PV: Chúng ta sẽ không có đủ nguồn nhân lực để thực hiện quy định này nếu nó vẫn được đưa vào trong luật?
ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai: Đó là điều đương nhiên mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Luật đưa ra đi vào cuộc sống thì phải có đủ nguồn nhân lực thực hiện.
Hiện nay, xã hội chưa có trường nào đào tạo bài bản, mới chỉ đào tạo để đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu chăm sóc trẻ từ 2 tuổi trở lên, nhóm trẻ dưới 2 tuổi rất ít, đa phần là cơ sở tư thục. Do đó, quy định này nhìn từ góc độ nào, tôi cũng vẫn thấy là không thực tế.
PV: Thưa bà, với một quy định không khả thi trên thực tế thì có nên đưa vào luật hay không? Luật nằm trên giấy sẽ rất bất cập?
ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai: Tôi nói thẳng là quy định này không nên đưa vào luật. Luật pháp Việt Nam đã tiến bộ, cải tiến, sửa đổi những vấn đề không sát thực tế. Có những quy định trong luật đưa ra mà người dân không biết, cán bộ cũng không nắm chắc được, có những điều luật không được áp dụng hoặc đưa ra phải sửa đi sửa lại nhiều lần, như vậy là không hiệu quả, gây lãng phí.
PV: Dư luận kỳ vọng, luật Giáo dục sửa đổi sẽ bỏ quy định trông giữ trẻ từ 3 tháng tuổi. Vậy, cơ quan soạn thảo cần điều chỉnh lại trước khi trình lên tới bàn Quốc hội quyết định?
ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai: Đúng là cơ quan soạn thảo phải thấy và tự điều chỉnh lại vì chắc chắn dư luận có sự phản ứng.
Theo quy trình góp ý các dự thảo luật phải qua nhiều tầng nấc, lấy ý kiến rộng rãi từ các cuộc hội thảo, chuyên gia đầu ngành, các ngành, các cấp đều sẽ góp ý. Khi luật trình lên Quốc hội cũng sẽ phải qua nhiều vòng nữa. Thế nên tôi tin là sẽ có nhiều góp ý. Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến không đồng thuận và ban Soạn thảo sẽ phải sửa lại điều khoản này.
Về việc này, tôi nghĩ dư luận cũng không cần quá lo lắng vì chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!