Sáng 20/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) quan tâm vấn đề phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô, có sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử đô thị hiện đại.
Về cải tạo chung cư cũ, đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất tốt, đặc biệt là tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy, đây là vấn đề cấp thiết, bức xúc cần thực hiện.
"Giải quyết vấn đề ô nhiễm các dòng sông, các đề án đặt mục tiêu đến năm 2035 Hà Nội cơ bản giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm dòng sông. Tôi thấy rất ấn tượng", ông Trí nói.
Theo ông Trí, vấn đề quy hoạch lại thành phố phải cần chú ý có đường rộng mà đi, có đường thoáng khi có sự cố cháy nổ, các sự cố nghiêm trọng. Điều này phải tìm mọi cách để thực hiện.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đặt vấn đề phải làm sao để không còn nhà ống ở Hà Nội. Nội dung này cần phải bàn với dân tạo được sự đồng thuận cao.
"Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống đến bây giờ rất khó để xử lý và sửa chữa. Nhân đợt này hạn chế dần, hạn chế dần để không có nhà ống mới và quy hoạch lại để thay đổi", đại biểu nhấn mạnh.
Về vấn đề đường trên cao, đại biểu đề nghị chỉ phát triển ở ngoài, còn ở trong phố, những nơi đông đúc rồi thì hạn chế tối đa, có thể kể đến như phố cổ, phố nhiều nhà cao tầng hiện đại. Nếu làm đường trên cao sẽ khiến ngăn hẳn tầm nhìn, làm xấu đi tuyến phố.
Về quy hoạch hệ thống y tế của Thủ đô, đại biểu nhấn mạnh đây là quy hoạch không chỉ cho người dân Thủ đô. Đây là quy hoạch cho cả vùng miền, thậm chí là của cả quốc gia.
Theo đại biểu, hầu hết các bệnh viện lớn, đầu ngành đều đang tập trung tại Hà Nội. Do vậy, các bệnh viện lớn, đặc biệt chuyên khoa thì nên tập trung cao độ, thậm chí nên có trung tâm y khoa, viện chuyên khoa để phối hợp.
Tham gia thảo luận, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) góp ý về nội dung mô hình thành phố trong Thủ đô. Ông cho rằng đây là ý kiến mà ông còn day dứt và cần góp ý.
"Tôi muốn là mô hình Thủ đô trong Thành phố Hà Nội. Ý của tôi là nên chăng các quận nội thành là Thủ đô Hà Nội. Còn Hà Nội là thành phố Hà Nội gồm tất cả các quận nội thành và những khu vực khác", đại biểu đề xuất.
Theo đại biểu, 63 tỉnh thành sẵn sàng đóng góp cho Thủ đô Hà Nội chứ không thể các tỉnh lại đóng góp cho Thành phố Hà Nội. Mô hình này nhiều nước đã làm chứ không phải ngoài tầm suy nghĩ của chúng ta.
Bên cạnh đó, ở trong các quận nội thành (5-6 quận) thì Thủ đô phải là trung tâm chính trị, văn hóa chứ không phải là trung tâm chính trị, kinh tế. 36 phố phường phải để nguyên như hiện trạng chứ nếu xây thành các tòa nhà cao tầng là không thể được và cũng rất nguy hiểm. Kiên quyết không thể xây nhà cao tầng ở nội đô.
"Thành phố Hà Nội vì Thủ đô Hà Nội, còn lại các tỉnh thành cũng vì Thủ đô Hà Nội thì mới như ước vọng của chúng ta", đại biểu một lần nữa nhấn mạnh ở cuối phần phát biểu.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) chia sẻ là người may mắn tham gia vào quá trình xây dựng Quy hoạch Thủ đô. Ông nhấn mạnh, quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tỉnh nhưng không phải như quy hoạch các tỉnh khác chỉ cho một địa phương. Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch cho Thủ đô cả nước nên phải mang các yếu tố hội tụ, đại diện cho sự phát triển của cả nước.
Theo đại biểu, quy hoạch này rất được quan tâm và được tham gia bởi hàng trăm nhà khoa học trên cả nước, nhiều chuyên gia lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đại biểu suy nghĩ làm thế nào để quy hoạch được xây dựng lên sẽ được triển khai, thực hiện theo các nội dung đã được chỉ ra.
Theo đại biểu, cần có 3 vấn đề cần quan tâm: Giải quyết nút thắt lớn nhất của Thủ đô về giao thông, trong đó có trọng tâm là đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách khỏi hệ thống nước mưa, xây dựng khu vực xử lý nước thải cục bộ, tập trung và cuối cùng là cần có chơ chế hỗ trợ cho người dân khu vực phố cổ để cải tạo, chỉnh trang lại khu vực nội đô lịch sử.