Làm cho gia đình tốt hơn, hạnh phúc hơn
Phát biểu tranh luận tại hội trường chiều 14/6 về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ĐBQH Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cho rằng, việc sửa đổi luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết, tán thành với việc xử lý nghiêm và lên án bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý đến việc xử lý bạo lực gia đình nhưng làm sao để gia đình tốt hơn, hạnh phúc hơn mới là điều quan trọng.
Đại biểu cho biết, sửa Luật phải xuất phát từ điều kiện của gia đình Việt Nam, đặc điểm của gia đình Việt để quy định những biện pháp phòng ngừa, biện pháp xử lý phù hợp, để không xảy ra trường hợp sau khi can thiệp gia đình lại rạn nứt.
“Truyền thống của gia đình Việt Nam là coi chuyện gia đình là chuyện bí mật, chuyện riêng tư không muốn cho ai can thiệp vào, sau bạo lực có thể hàn gắn được nhưng bây giờ can thiệp mà không khéo thì gia đình có khả năng rạn nứt, ly hôn”, ông nhấn mạnh.
“Khảo sát thực tế hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực không đi trình báo, thậm chí người chồng nào bị vợ bạo lực còn cố tình giấu đi vì xấu hổ. Nên, phải xử lý thế nào đó, các biện pháp phải tính đến yếu tố gia đình Việt Nam, tính đến yếu tố người bị bạo lực. Bởi, gia đình Việt thường có chuyện gì là “đóng cửa bảo nhau””, ông chỉ ra và đặt câu hỏi “bây giờ cứ lôi hết ra ánh sáng có được không?”.
Từ đó, đại biểu đề nghị hàm lượng về các biện pháp phòng ngừa, biện pháp xử lý phải xuất phát từ yếu tố gia đình Việt Nam để mục đích lớn hơn là xử lý bạo lực nhưng làm cho gia đình tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Công Phàn cũng chia sẻ thêm với Người Đưa Tin xoay quanh dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Vị đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng bạo lực gia đình hiện nay vẫn đang tăng và chúng ta phải lên án xử lý.
Tuy nhiên, khi can thiệp xử lý phải làm thế nào để gia đình tốt lên, hạnh phúc lên chứ không phải để làm tan vỡ.
“Vấn đề là phải tăng các biện pháp làm sao hạn chế không có bạo lực, còn khi đã có bạo lực rồi thì phải xử lý để vừa ngăn ngừa được, nhưng vừa phù hợp với gia đình Việt Nam”, đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Bình Dương cũng cho rằng, mặc dù số lượng bạo lực hiện nay tăng hơn, phức tạp hơn nhưng cần có cách làm tốt, làm sao cho mỗi thành viên gia đình tự nâng được ý thức để không dẫn đến bạo lực.
Làm rõ mối quan hệ giữa hòa giải với người có hành vi bạo lực
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) góp ý về vấn đề hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại Điều 20.
Theo đại biểu Mai, công tác hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp cho các bên có thể hòa giải tự nguyện, giải quyết với các nhận với nhau các mâu thuẫn, tránh các xung đột. Tuy nhiên, quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình cần quan tâm một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, hòa giải có thể chỉ hiệu quả đối với các mâu thuẫn nhỏ nhưng không áp dụng đối với các trường hợp bạo lực diễn ra trầm trọng và kéo dài. Luật hòa giải cơ sở năm 2013 cũng đã quy định rõ về phạm vi hòa giải.
Theo đó, việc hòa giải ở cơ sở phải được tiến hành với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ trường hợp vi phạm pháp luật phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật rà soát các quy định đảm bảo thống nhất với Luật hòa giải cơ sở, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe trong xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.
Thứ hai, cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hòa giải với việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Dự thảo luật đã đưa ra nguyên tắc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 20.
Tuy nhiên, có những trường hợp nạn nhân của bạo lực gia đình sau khi tham dự hòa giải, nhất là hòa giải do gia đình, dòng họ tiến hành thì vì nhiều nguyên nhân họ có thể bỏ qua những chuyện đã xảy ra. Điều này ảnh hưởng đến việc xác minh, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Do đó, cần cân nhắc thời điểm tiến hành hòa giải có lẽ chỉ nên thực hiện.
Một là hòa giải, ngăn ngừa bạo lực gia đình khi phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp mà chưa phát sinh hành vi bạo lực gia đình.
Hai là hòa giải sau khi người có hành vi bạo lực gia đình đã bị xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tái diễn đối với trường hợp đã xảy ra hành vi bạo lực gia đình nhưng hành vi này chưa bị xử lý, đề nghị cân nhắc không áp dụng hòa giải để đảm bảo tính khách quan trong xử lý hành vi bạo lực gia đình.
Thứ ba, cần làm rõ giá trị pháp lý của kết quả hòa giải theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét, giao quyết định công nhận kết quả hòa giải thành và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Trong trường hợp đó, việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình sẽ phụ thuộc vào kết quả hòa giải. Như vậy, khó đảm bảo tách bạch mối quan hệ giữa việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình và việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.
Do đó, đại biểu Mai đề nghị cần bổ sung các quy định đảm bảo việc hòa giải không bị lợi dụng để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về vi vi phạm hình sự.