Lương giáo viên mầm non rất thấp
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 7/11, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiền lương và giờ làm việc của giáo viên.
Đại biểu cho rằng, đối với giáo viên bậc trung học có cơ cấu theo tiết, theo giờ; còn đối với giáo viên mầm non và bậc tiểu học thì xuyên suốt.
Đặc biệt, là giáo viên mầm non phải làm việc xuyên suốt từ sáng tới tối muộn, cương độ làm việc theo cơ chế nặng nhọc, vất vả nhưng tiền lương và thu nhập chưa tương xứng với thời gian và công sức.
Cũng liên quan đến chính sách tiền lương, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, còn sự phân biệt giữa công chức cấp xã với công chức còn lại trong hệ thống chính quyền. Qua đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đối với giáo viên mầm non cũng như cán bộ công chức cấp xã.
Chiều nay trả lời đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, giáo viên mầm non có lương rất thấp chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ khi xây dựng bảng lương mới căn cứ cơ sở vị trí việc làm trên nguyên tắc Nghị quyết 27 và trên cơ sở Nghị quyết 29 bảo đảm tiền lương cơ bản, cùng với phụ cấp, sẽ có quan tâm đến lương giáo viên nói chung và lương giáo viên mầm non nói riêng.
Trả lời chất vấn đề về tự chủ có đẩy khó cho người học, phụ huynh và gia đình không, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ tự chủ là xu thế chung, yêu cầu khách quan, là chủ trương lớn của Đảng.
Thời gian qua thực hiện tự chủ đạt kết quả nhất định, song vẫn còn những khó khăn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, có 20% đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về tài chính và giảm 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) tranh luận với Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến vị trí việc làm, đại biểu cho rằng những giải trình của Bộ trưởng đối với các câu hỏi của đại biểu Quốc hội mới chỉ nói về vấn đề là tiến độ thực hiện vị trí việc làm. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng của vị trí việc làm mà các cơ quan, đơn vị chưa hoàn thành.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống vị trí việc làm của chúng ta cơ bản chưa đảm bảo chất lượng. Cho nên dẫn đến là khi tinh giảm biên chế thì không đảm bảo là nâng cao về chất lượng của bộ máy.
Cái gốc của việc xác định vị trí việc làm là phải xác định được chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc đó. Đặc biệt, phải có phương pháp đo lường được thời gian cần phải có để hoàn thành được nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Theo đại biểu Ba, hiện nay, cách thức làm thể hiện trong Nghị định 62 cũng như Nghị định 106 chưa rõ ràng về cơ sở nào để xác định biên chế. Nếu vị trí việc làm không phù hợp, chúng ta không thể xác định biên chế phù hợp được và tạo tiền đề cho cải cách tiền lương cũng không không đảm bảo.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ rà soát, đánh giá những cơ quan, đơn vị đã có hệ thống vị trí việc làm được phê duyệt và rà soát kỹ Nghị định 62 và Nghị định 106 để quy định cho phù hợp. Nếu khi nào chưa thấy yên tâm về chất lượng của hệ thống vị trí việc làm thì chưa thực hiện được cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết chủ trương xây dựng vị trí đã kế hoạch triển khai từ năm 2012. Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế cũng giao nhiệm vụ cho từng khối để thực hiện chủ trương này.
Theo đó, khối Chính phủ do Bộ Nội vụ chủ trì; khối các cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội do Ban Tổ chức Trung chủ trì; khối các cơ quan Quốc hội do Ban Công tác đại biểu chủ trì.
Bộ trưởng thừa nhận, từ đó đến nay, chúng ta đã làm, đã triển khai, chỉnh sửa và hoàn dần, nhưng phải nói một điều là đến nay, việc này chưa đạt chất lượng như đại biểu nêu.
Từ góc độ cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Bộ trưởng Nội vụ cho viết Bộ sẽ rà soát, hoàn thiện để tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên về và Chính phủ nhằm nâng cao chất lượng vị trí việc làm.