Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày hôm nay (27/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Triệu Tài Vinh (Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang) đánh giá cao những kết quả đạt được của nền kinh tế trong năm 2018, đặc biệt là các chỉ số tích cực như: Chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo… Việt Nam cũng là thị trường điểm đến du lịch hàng đầu châu Á.
Trong đó, ĐBQH Triệu Tài Vinh quan tâm đến hai vấn đề là kiểm soát quyền lực và chất lượng nhân lực.
Nói về vấn đề kiểm soát quyền lực, ĐBQH Triệu Tài Vinh nhấn mạnh: “Làm sao để kiểm soát quyền lực của nhân dân được thực hiện một cách có hiệu quả nhất, thông qua đội ngũ cán bộ công chức một cách chuyên nghiệp nhất. Đây là một vấn đề cần đối mặt để giải quyết trong thời gian tới. Trong mỗi Bộ, người đứng đầu là Bộ trưởng, phụ trách lĩnh vực là Thứ trưởng, rồi phía dưới có các Cục trưởng, Vụ trưởng, trong các phòng có các Trưởng phòng. Vậy, vấn đề quyền lực ở đây cần kiểm soát chặt chẽ, khắc phục ngay tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh".
Về chất lượng nhân lực, ĐBQH Triệu Tài Vinh bày tỏ: “Chúng ta đã hội nhập ASEAN một cách rất trách nhiệm và có kết quả cao. Vị thế của Việt Nam được nâng lên. Bên cạnh đó, cũng có nhiều bài học về ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, ý thức công dân của người dân. Chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp.
Trong kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về CPTPP. Để hội nhập CPTPP có hiệu quả, theo tôi cần xây dựng tính kỷ luật lao động. Đối với doanh nghiệp là đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, sáng tạo, khởi nghiệp. Đối với người dân phải đổi mới dạy nghề và đào tạo nghề phù hợp hơn.
Hiện nay, hình thức, chương chình dạy nghề cần đổi mới. Đặc biệt dạy nghề trong chương trình 135, 30A, dạy nghề khu vực nông thôn nói chung.
Cho nên, chất lượng lao động của chúng ta hiện nay còn thấp, dạy nghề không còn là chính sách mà đã trở thành một chế độ, đi học nghề để lấy tiền chứ không phải để lấy nghề.
Về chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, tôi thấy cần đánh giá nghèo thật chặt. Nghèo không có vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, thiếu lao động và thiếu sức sản xuất. Nguyên nhân của thiếu đất, thiếu lao động có nhiều nhưng có một nguyên nhân nữa đó là tách hộ. Có những hộ tách lợi trục lợi về chính sách… Đây là ví dụ nhỏ về thực trạng nghèo hiện nay.
Về cách hỗ trợ hộ nghèo hiện nay chúng ta vẫn thường nói “cho cần câu thay cho con cá”? Chúng ta đã cho nhiều cần câu rồi, vấn đề hiện nay là cho cần câu thì câu ở đâu? Phải tạo ra những môi trường tốt hơn, đó chính là những cái ao để người nông dân có thể câu được.
Theo tôi, cái ao đó là môi trường xung quanh của người nghèo, của nông dân. Chính vì vậy cần có chính sách hỗ trợ cho làm giàu, hỗ trợ cho hộ khá, để làm tấm gương để thúc đẩy hộ nghèo phát triển. Đối với hộ nghèo thì cần chuyển từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có thu hồi, để người thụ hưởng thấy được trách nhiệm của mình trong chính sách”.