Giá vàng “nhảy múa” là cụm từ được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương sử dụng khi nói về thị trường vàng, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình triển khai những tháng đầu năm 2024, ngày 13/5 vừa qua.
Nguyên văn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói: "Không lẽ cứ để nó nhảy múa như thế. Thị trường gì thì thị trường nhưng không thể có thị trường nhảy múa kiểu thế được. Tôi chưa bao giờ thấy một thị trường mà giá vàng tăng, giảm rất đột biến như thế”.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các văn bản chỉ đạo về điều hành, bình ổn thị trường vàng. Lần gần nhất, trong thông báo kết luận cuộc họp về chính sách tài khóa, tiền tệ, thị trường vàng, tỉ giá, lãi suất ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải hoàn thành thanh, kiểm tra thị trường vàng trong tháng 5.
"Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng theo quy định", Thủ tướng yêu cầu.
Đáng nói, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường. Từ 19/4 đến nay (20/5), cơ quan này đã tổ chức 8 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với tổng khối lượng trúng thầu là 35.100 lượng.
Phải nhìn nhận rằng, một loạt giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một cách liên tục phần nào khiến tâm lý thị trường "bình ổn" trở lại, song kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Trên hành lang Quốc hội, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói rằng, hiện Việt Nam không có một “thị trường vàng” đúng nghĩa và việc điều hành giá phải phải hết sức bình tĩnh, phải có quan điểm rõ ràng về mặt hàng vàng.
“Tôi không dùng từ “thị trường vàng”, bởi chúng ta không có thị trường đúng nghĩa. Chúng ta không nên vì nhu cầu, vì tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội khi muốn tích trữ, kinh doanh vàng, tìm lợi từ vàng miếng mà đưa ra những hành động có tính chất phi thị trường. Đặc biệt, không nên cổ súy việc biến vàng miếng trở thành một loại hàng hóa”, ông An nói.
Theo ĐBQH Trịnh Xuân An, đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện và vàng là một đối tượng đặc biệt. Do vậy, phải tính toán hết sức kỹ lưỡng và có tư duy quản lý bài bản hơn, không có giật cục, không chạy theo nhu cầu, tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội.
Ông An cũng cho rằng, cần nghiên cứu, tính toán lại việc độc quyền vàng miếng theo thương hiệu hiện nay, nhằm tránh tình trạng buôn lậu, tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài nhà phân phối.
“Chính phủ đang chỉ đạo rất sát. Theo tôi, hướng đi đúng là phải tổng kết, đánh giá rất kỹ để sửa lại Nghị định 24. Phải xem xét việc độc quyền vàng, giao SJC bán có đúng hay không? Việc đấu giá để đưa giá vàng đi xuống cũng không phải là giải pháp tốt. Bởi thực tế, đấu giá cũng không giải quyết được chuyện về giá vàng nhảy múa”, ông An nói.
Theo phân tích của vị ĐBQH đoàn Đồng Nai, nếu tính là thị trường vàng thì phải xem xét thị trường phụ thuộc vào điều gì, phải quay lại đúng quy luật của thị trường, phải có cung cầu, phải có những yếu tố cấu thành nên giá mang tính chất phổ quát của quy luật thị trường.
Do đó, ông An cho rằng, nếu đây là một mặt hàng không khuyến khích hoặc nếu quá phức tạp trong quản lý thì thứ nhất để cho thị trường điều tiết và thứ hai là không khuyến khích hình thức kinh doanh, sở hữu vàng miếng.
Đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm cẩn trọng, đánh giá kỹ lưỡng cách thức vận hành và phải quản lý bài bản, phù hợp vàng miếng trong điều kiện hiện nay.
“Tất nhiên, chúng ta phải tính lộ trình. Còn cá nhân tôi thấy rằng, nếu cần thiết thì chúng ta hoàn toàn có thể cấm kinh doanh vàng miếng. Không thể biến vàng miếng thành công cụ tích trữ, bởi nó rất ảnh hưởng đến tỉ giá, đến ngoại hối và ảnh hướng đến điều tiết, điều hành vĩ mô. Điều này làm cho nền kinh tế bị xáo trộn. Nên để cho thị trường điều tiết và quản lý như một loại hình kinh doanh có điều kiện. Nhà nước không nên bỏ ra một khối lượng lớn ngoại tệ nhập vàng để bình ổn giá”, ông An nêu quan điểm.
Cũng nói về tình trạng giá vàng “nhảy múa”, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đây là một trong 9 nhóm nội dung về kinh tế mà Ủy ban đã kiến nghị Chính phủ quan tâm.
Ông Hiếu khẳng định, để ổn định thị trường vàng cần phải có giải pháp tổng thể, dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Theo ông thời gian gần đây, giá vàng liên tục biến động. Vì vậy, về điều hành trước mắt cần bám sát phù hợp với thị trường. Nhưng, căn cơ để giải quyết vẫn là thể chế, chính sách.
“Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ cần sớm khẩn trương, rà soát tổng thể về cơ chế chính sách quản lý thị trường vàng để sửa đổi kịp thời trong dài hạn, chứ không mang tính chất ngắn hạn. Đây cũng là một trong 9 nhóm nội dung được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu Chính phủ đặc biệt quan tâm trong điều hành kinh tế xã hội nói chung và thị trường vàng nói riêng”, ông Phan Đức Hiếu thông tin.