Tiếp tục thảo luận tại hội trường Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia sáng 30/10, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhất trí việc đoàn giám sát chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan dẫn tới những hạn chế, gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành.
Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, đánh giá của đoàn giám sát vẫn trên tinh thần nương nhẹ và có lúc còn chung chung khi chỉ ra trách nhiệm và những hạn chế tương đối giống nhau giữa Chính phủ và các bộ, ngành.
Do đó, nữ đại biểu đề nghị rà soát lại phần đánh giá để chỉnh sửa, bổ sung sao cho đảm bảo cụ thể hóa trách nhiệm và tránh trùng lặp chung chung.
Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân của chương trình này quá chậm và quá trình triển khai đang có quá nhiều vướng mắc, nhưng Ủy ban Dân tộc nhận định sẽ đạt được mục tiêu theo lộ trình. Tuy nhiên, bà Nga bày tỏ vẫn lo ngại liệu việc lấy mục tiêu giải ngân là đích đến, hệ lụy sẽ là chạy theo thành tích giải ngân, dẫn tới sai phạm hoặc không hiệu quả, lãng phí nguồn lực.
“Báo cáo giám sát chỉ rõ 3 chương trình đều chậm tiến độ, cụ thể như chậm ban hành văn bản, chậm hướng dẫn, chậm giải ngân, không kịp thời, không sát với thực tiễn… Những điều này liên quan trực tiếp đến năng lực cán bộ và trách nhiệm thực thi công vụ. Vì thế, đề nghị quan tâm đến người thực hiện, đặc biệt là năng lực và trách nhiệm của cán bộ”, đại biểu Nga nêu.
Tranh luận với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về xác định trách nhiệm trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, trong dự thảo Nghị quyết đã có nêu xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia, các Bộ chủ quản…
Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành đã rõ, tuy nhiên đây là một chương trình lớn, đại biểu đề nghị cũng cần làm rõ trách nhiệm của Quốc hội về việc thiết kế chương trình.
“Tại sao không thiết kế cùng một chương trình thay vì 3 chương trình để đảm bảo tính tổng thế? Thiết kế chương trình một cách khoa học hơn?”, đại biểu Long đặt câu hỏi và mong rằng trong dự thảo Nghị quyết, Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc hoạch định và xây dựng chính sách này.
Đại biểu Hoàng Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra được những hạn chế, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành.
Tuy nhiên, ngoài chỉ cụ thể 3 ngành chủ trì 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự thảo vẫn còn kèm theo cụm từ “các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp ở các địa phương”.
Đại biểu cho biết, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc.
Về giải pháp đề ra, đại biểu Thanh Thuý đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc xây dựng chỉ tiêu cần hết sức lưu ý để xác định sao cho phù hợp, việc xác định chỉ tiêu là rất quan trọng đối với việc xác định nguồn vốn, dự án và các bước thực hiện tiếp theo.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới, cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa, vì có thể nhiều tiêu chí không thể hiên mục tiêu cần đạt, mà lấy phương tiện, cách thức thực hiện làm tiêu chí, dẫn đến rập khuôn, cứng nhắc, kết quả còn hình thức, thiếu thực chất.
Bà Thuý đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được, còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt được chỉ tiêu. Ngoài ra, cần huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia tích cực, chủ động trong xây dựng cộng đồng văn hóa ở khu dân cư mình sinh sống.